Ngày 01/7/2020, Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực thi hành, kèm với đó là nhiều chính sách mới cũng được áp dụng. Phạm vi bài viết này sẽ đề cập đến các chế độ, chính sách cơ bản mà người học được hưởng kể từ ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực.
Các chế độ, chính sách cơ bản đối với người học theo Luật Giáo dục 2019 (Ảnh minh họa)
1. Tín dụng giáo dục
Điều 84 Luật Giáo dục 2019 quy định Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, điều kiện và thời hạn vay tiền để người học có điều kiện học tập. Khuyến khích xã hội hóa hoạt động tín dụng giáo dục.
Thực tế, Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu tiên tại Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007, với mục tiêu sử dụng nguồn lực của Nhà nước để cung cấp tín dụng ưu đãi cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về kinh tế. Mức vay thời điểm năm 2007 là 800.000 đồng/HSSV, hiện nay đã tăng lên mức 2,5 triệu/tháng/HSSV theo Quyết định 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đây có thể nói là một bước điều chỉnh khá mạnh mức vay đối với HSSV trong 12 năm qua, mặc dù chưa thể đáp ứng được nhu cầu của HSSV và mức học phí hiện hành nhưng đã thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ nói riêng và các Bộ, ngành liên quan đối với chương trình này.
Tất cả đối tượng được vay tiếp cận với nguồn vốn tín dụng khá đơn giản. Hằng năm, Bộ GDĐT đều có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách đến toàn bộ các HSSV, trên cơ sở đó tổng hợp nhu cầu và ký các giấy tờ xác nhận để HSSV được vay vốn.
Các phụ huynh sẽ trực tiếp đứng ra làm thủ tục cho con em mình. Toàn bộ thủ tục vay vốn được Ngân hàng Chính sách phổ biến đến tận hộ gia đình và các thủ tục giải ngân rất thuận lợi cho HSSV
2. Học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt
Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.
Nhà nước cũng có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo:
-
Đối với sinh viên theo chế độ cử tuyển; học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật: Mức học bổng bằng 80% mức lương cơ sở/tháng;
-
Đối với học viên là thương binh thuộc hộ nghèo học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật: Mức học bổng bằng 100% mức lương cơ sở/tháng.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học theo quy định của pháp luật. Các nhà trường đã chủ động thành lập Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo, sinh viên khó khăn. Sinh viên nghèo học giỏi còn được hưởng học bổng khuyến khích học tập với mức học bổng tối thiểu bằng mức học phí.
Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên sư phạm cũng được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học thay vì việc không phải đóng học phí, ưu tiên xét cấp học bổng, trợ cấp xã hội như trước đây. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.
Tuy nhiên, những học sinh, sinh viên sư phạm đã được tuyển sinh trước 01/7/2020 sẽ không áp dụng theo quy định này mà tiếp tục được miễn học phí như trước đây.
3. Miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên
Học sinh, sinh viên được hưởng chế độ miễn, giảm giá vé khi sử dụng các dịch vụ công cộng về giao thông, giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa theo quy định khi học sinh, sinh viên xuất trình thẻ học sinh, sinh viên. Bao gồm:
-
Học sinh, sinh viên được giảm giá vé tàu hỏa, xe ô tô buýt;
-
Học sinh, sinh viên được giảm giá vé dịch vụ khi trực tiếp sử dụng các dịch vụ gồm: Bảo tàng, di tích lịch sử, thư viện, triển lãm
4. Chế độ cử tuyển
Nhà nước thực hiện tuyển sinh vào trung cấp, cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển đối với học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; có chính sách tạo nguồn cử tuyển, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương đề xuất, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển; cử người đi học theo tiêu chuẩn, chỉ tiêu được duyệt; xét tuyển và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
Trước đây tại Điều 90 Luật Giáo dục 2005, những người được cử đi học theo chế độ cử tuyển phải chấp hành sự phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, theo khoản 3 Điều 87 Luật Giáo dục 2019 thì người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm trở về làm việc tại địa phương nơi cử đi học; được xét tuyển và bố trí việc làm. Như vậy có thể thấy, Luật Giáo dục 2019 đã ấn định trách nhiệm quay trở về địa phương làm việc của các đối tượng này.
Đây cũng là quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019. Cụ thể, khoản 2 Điều 37 Luật này quy định, người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển.
Đức Thảo
- Từ khóa:
- Luật Giáo dục 2019