Ngày 01/7/2020 là thời điểm Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, sẽ có 3 chính sách mới về lương và tuyển dụng ảnh hưởng đến mọi giáo viên kể từ ngày này.
- Giáo viên được nhận lương mới từ năm 2020: Toàn bộ giải đáp liên quan
- Sẽ có quỹ tiền thưởng riêng đối với giáo viên các cấp từ năm 2021
3 chính sách mới tác động đến mọi giáo viên kể từ 01/7/2020 (Ảnh minh họa)
Quy định mới về thi giáo viên dạy giỏi từ ngày 12/02/2020
1. Bằng trung cấp sư phạm không còn được chấp nhận
Theo Luật Giáo dục 2019, kể từ ngày 01/7/2020, trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên các cấp được nâng lên so với quy định tại Luật Giáo dục 2005, cụ thể:
- Đối với giáo viên mầm non: Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. (Quy định hiện hành chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm).
- Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. (Quy định hiện hành yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên tiểu học; bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở).
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cứ nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Như vậy, có thể thấy, từ ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, sẽ không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, giáo viên mầm non có trình độ trung cấp sư phạm đồng thời tổ chức đào tạo bổ sung theo hướng liên thông để khi sinh viên ra trường có trình độ đại học sư phạm tiểu học, cao đẳng sư phạm mầm non, hay nói cách khác, kể từ ngày 01/7/2020, bằng trung cấp sư phạm không còn được chấp nhận trong tuyển dụng giáo viên các cấp.
2. Chỉ còn 03 trường hợp giáo viên được hưởng chế độ “viên chức suốt đời”
Cụ thể, theo Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020 phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn, trừ 03 trường hợp sau đây viên chức vẫn được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Viên chức 2010;
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy có nghĩa là từ ngày 01/7/2020 sẽ không còn trường hợp viên chức thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn được mặc nhiên chuyển sang hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nữa, mà thay vào đó viên chức sẽ phải ký hợp đồng làm việc có thời hạn và tất cả các trường hợp viên chức chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn trước ngày 01/7/2020 phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn nếu không đáp ứng điều kiện, chỉ trừ 03 trường hợp nêu trên.
3. Giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên
Cụ thể, theo tinh thần của Nghị quyết 27/NQ-TW, một trong những nội dung cải cách chính sách tiền lương là bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và với giáo viên nói riêng chỉ trừ 03 đối tượng sau: quân đội, công an và cơ yếu.
Cụ thể hóa quy định này tại Nghị quyết 27, Điều 76 Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cũng đã bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên.
Theo đó, từ ngày 01/7/2020, giáo viên sẽ được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP thì phụ cấp đặc thù được áp dụng đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghề nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Như vậy, những giáo viên hiện nay đang được hưởng phụ cấp thâm niên, kể từ 01/7/2020 sẽ không còn được hưởng khoản phụ cấp này nữa.
Nguyễn Trinh