05 điểm mới cần biết trong tuyển sinh và đào tạo Thạc sĩ từ 15/10/2021

Kể từ ngày 15/10/2021, Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực sẽ có nhiều quy định mới về tuyển sinh và đào tạo đối với trình độ Thạc sĩ. Cụ thể như sau:

05 điểm mới cần biết trong tuyển sinh và đào tạo Thạc sĩ từ 15/10/2021

05 điểm mới cần biết trong tuyển sinh và đào tạo Thạc sĩ từ ngày 15/10/2021 (Ảnh minh họa)

1. Quy định rõ yêu cầu đối với người dự tuyển

Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2021 quy định người dự tuyển chương trình thạc sĩ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Đã tốt nghiệp hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; đối với chương trình định hướng nghiên cứu yêu cầu hạng tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu;

- Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

Riêng đối với chương trình đào tạo được dạy và học bằng tiếng nước ngoài, ứng viên phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, cụ thể là có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy; hoặc chứng chỉ của ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy đạt trình độ tương đương Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

- Đáp ứng các yêu cầu khác của chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và theo quy định của chương trình đào tạo.

Trước đây, Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT không có quy định cụ thể về hạng tốt nghiệp hay trình độ ngoại ngữ đối với người dự tuyển vào chương trình thạc sĩ.

2. Bổ sung phương thức, hình thức và số lần tuyển sinh

*Tại Điều 6 Thông tư 23/2021 quy định việc tuyển sinh được tổ chức một hoặc nhiều lần trong năm do cơ sở đào tạo quyết định khi đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ theo quy định hiện hành.

Như vậy, quy định mới cho phép các trường được tổ chức tuyển sinh một hoặc nhiều lần trong năm mà không giới hạn tổ chức tuyển sinh tối đa 2 lần mỗi năm như quy định trước đây (khoản 2 Điều 4 Thông tư 15/2014).

*Về phương thức tuyển sinh, theo khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2021 thì cơ sở đào tạo được quyết định phương thức tuyển sinh bao gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. So với quy định trước đó, phương thức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ gồm: thi tuyển đối với người Việt Nam và xét tuyển đối với người nước ngoài có nguyện vọng học thạc sĩ tại Việt Nam (khoản 1 Điều 4 Thông tư 15/2014). Sự thay đổi này cho thấy việc giao quyền tự chủ cho các trường trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh.

*Về hình thức tuyển sinh, khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT quy định:

Cơ sở đào tạo được tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng những điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy và công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp.

(Hiện hành, Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT không đề cập đến việc tuyển sinh trực tuyến).

Như vậy, theo quy định mới, các trường được phép tuyển sinh theo hình thức trực tuyến khi đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy, công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp. Hình thức này giúp việc tuyển sinh không bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh và các vấn đề bất khả kháng khác.

Ngoài ra, Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT còn bổ sung quy định về phương thức đào tạo trực tuyến nhằm giúp các trường giải quyết khó khăn trong việc đào tạo khi có dịch bệnh, thiên tai hoặc trường hợp bất khả kháng khác. Cụ thể như sau:

- Cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học trực tuyến với khối lượng học tập không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; bảo đảm chất lượng không thấp hơn so với các lớp học trực tiếp.

- Hình thức đánh giá trực tuyến được áp dụng khi bảo đảm sự tin cậy, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đồng thời đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần, trừ luận văn và học phần tốt nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 9 và Điều 11 của Quy chế tuyển sinh ban hành kèm Thông tư 23/2021.

- Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác, cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo và đánh giá trực tuyến các học phần theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Quy định về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ

Theo Điều 4 Thông tư 23/2021, người học được xem xét công nhận và chuyển đổi tín chỉ của một số học phần khi đã học một chương trình đào tạo thạc sĩ khác hoặc đã tốt nghiệp một chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù theo Điều 14 Nghị định 99/2019/NĐ-CP. Số tín chỉ được công nhận và chuyển đổi không vượt quá 30 tín chỉ.

Ngoài ra, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định có thể được đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ tại cùng cơ sở đào tạo. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ.

Đây cũng là một điểm mới so với trước đây, nhằm liên thông giữa các trình độ giáo dục đại học, vừa tiết kiệm thời gian cho sinh viên có thành tích học tập vượt trội vừa tạo điều kiện cho các trường xây dựng chương trình đào tạo ở các trình độ giáo dục đại học liên thông với trình độ thạc sĩ.

4. Quy định cụ thể về địa điểm đào tạo, thời gian và khối lượng tín chỉ

* Về địa điểm đào tạo

Khoản 1 Điều 7 Thông tư 23/2021 quy định địa điểm đào tạo là trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo; các hoạt động thực hành, thực tập, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế được tổ chức ở ngoài cơ sở đào tạo nhưng không vượt quá 20% khối lượng chương trình đào tạo.

Đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, việc tổ chức đào tạo tại các cơ sở thực hành thực hiện theo quy định của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và phải được thể hiện rõ trong kế hoạch giảng dạy.

Trước đó, Thông tư 15/2014 chỉ quy định địa điểm đào tạo là trụ sở của cơ sở đào tạo được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện. Trong trường hợp cần thiết, đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phép hoặc quyết định việc tổ chức đào tạo một phần chương trình ở ngoài cơ sở đào tạo, kể cả tại phân hiệu của cơ sở đào tạo (nếu có).

* Về thời gian học tập

Khoản 4 Điều 7 Thông tư 23/2021 nêu rõ kế hoạch giảng dạy và học tập các học phần trong chương trình đào tạo được bố trí đều trong các tuần của học kỳ.

Trong trường hợp cần thiết phải xếp lịch học tập trung thời gian, số giờ giảng đối với mỗi học phần không vượt quá 15 giờ trong một tuần và 04 giờ trong một ngày.

* Về khối lượng tín chỉ

Khoản 5 Điều 7 Thông tư 23/2021 nêu rõ cơ sở đào tạo quy định quy trình học viên đăng ký học tập trước khi bắt đầu mỗi học kỳ theo từng chương trình đào tạo; khối lượng tín chỉ tối đa và tối thiểu trong mỗi học kỳ học viên được phép đăng ký nhưng tổng số tín chỉ đăng ký tối đa trong một năm học không quá 45 tín chỉ đối với hình thức chính quy và không quá 30 tín chỉ đối với hình thức vừa làm vừa học.

5. Nâng chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ

Trước đây, Thông tư 15/2014 quy định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ ở trình độ thạc sĩ do thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định theo đề nghị của hội đồng khoa học đào tạo nhưng tối thiểu phải từ bậc 3/6 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Tuy nhiên, theo quy định mới, học viên phải đạt trình độ tương đương Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Như vậy, kể từ ngày 15/10/2021, chuẩn đầu ra tối thiểu về trình độ ngoại ngữ đối với người học thạc sĩ đã được nâng lên một bậc.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 và áp dụng với các khóa trúng tuyển từ thời điểm đó.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
946 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;