Giáo dục mầm non là hoạt động khá nhạy cảm vì nó liên quan tới sự phát triển của cả một thế hệ trẻ tương lai. Do đó, pháp luật cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với hoạt động này. Việc cho phép hay không cho phép các cơ sở thực hiện hoạt động giáo dục mầm non cũng phải được xem xét theo trình tự, thủ tục luật định.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo quy định tại Điều 6 Nghị định 46/2017/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP, thủ tục để được phép hoạt động giáo dục mầm non của các cơ sở như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Trường mẫu giáo, trường mầm non và nhà trẻ gửi hồ sơ đến Phòng Giáo dục và Đào tạo để đề nghị cho phép hoạt động giáo dục mầm non.
Phương thức: Gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện
Số lượng: 01 bộ hồ sơ
Bước 2: Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ
Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ.
-
Nếu hồ sơ chưa đúng quy định thì thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
-
Nếu hồ sơ đúng quy định thì thông báo kế hoạch thẩm định thực tế tại trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch thẩm định thực tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan tổ chức thẩm định thực tế.
Bước 3: Ra quyết định cho phép hoạt động giáo dục
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định, nếu trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép hoạt động giáo dục.
Trường hợp chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định thì cũng trong thời hạn 10 ngày làm việc, Trưởng Phòng Giáo dục và Đài tạo phải thông báo bằng văn bản cho trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ và nêu rõ lý do.
Lưu ý, hồ sơ đề nghị đề nghị cho phép hoạt động giáo dục mầm non phải bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
- Tờ trình đề nghị cho phép hoạt động giáo dục;
- Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
- Danh sách cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt gồm hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, tổ trưởng tổ chuyên môn trong đó ghi rõ trình độ chuyên môn được đào tạo; danh sách đội ngũ giáo viên, trong đó ghi rõ trình độ chuyên môn được đào tạo; hợp đồng làm việc đã được ký giữa trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ với từng cán bộ quản lý, giáo viên;
- Chương trình giáo dục mầm non, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non;
- Danh mục số lượng phòng học, phòng làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng các điều kiện theo quy định;
- Các văn bản pháp lý: xác nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê trụ sở trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ với thời hạn tối thiểu 05 năm; xác nhận về số tiền hiện có do trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ đang quản lý, bảo đảm tính hợp pháp và cam kết sẽ chỉ sử dụng để đầu tư xây dựng và chi phí cho các hoạt động thường xuyên của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ sau khi được cho phép hoạt động giáo dục; phương án huy động vốn và cân đối vốn tiếp theo để bảo đảm duy trì ổn định hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ trong giai đoạn 05 năm, bắt đầu từ khi được tuyển sinh;
- Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.
Nguyễn Trinh
- Từ khóa:
- Nghị định 46/2017/NĐ-CP
- Mầm non