Yêu cầu với động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu

Yêu cầu với động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi yêu cầu với động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu được quy định thế nào? - Quốc Toàn (Cà Mau)

Yêu cầu với động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu

Yêu cầu với động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Yêu cầu với động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu

Yêu cầu với động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu theo Điều 44 Luật Thú y 2015 như sau:

- Đối với động vật:

+ Khỏe mạnh; xuất phát từ vùng, cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc không có bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và Việt Nam;

+ Có Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y của Việt Nam.

- Đối với sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm:

+ Có nguồn gốc từ động vật đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 Luật Thú y 2015;

+ Có Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y của Việt Nam;

+ Được giết mổ, sơ chế, chế biến tại cơ sở sản xuất đã đăng ký xuất khẩu vào Việt Nam.

- Đối với sản phẩm động vật không dùng làm thực phẩm:

+ Được lấy từ động vật quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 Luật Thú y 2015;

+ Có Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y của Việt Nam;

+ Trường hợp sử dụng để sản xuất con giống thì phải có nguồn gốc từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc không có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và Việt Nam.

- Trong trường hợp cần thiết, Cục Thú y giám sát quá trình cách ly kiểm dịch; kiểm tra, đánh giá hệ thống quản lý, giám sát dịch bệnh động vật, vệ sinh thú y tại nước xuất khẩu.

2. Nội dung kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu

Nội dung kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu theo Điều 47 Luật Thú y 2015 như sau:

- Đối với động vật nhập khẩu, Cục Thú y thực hiện kiểm dịch như sau:

+ Kiểm tra hồ sơ khai báo kiểm dịch, tình trạng sức khỏe của động vật; nếu hồ sơ kiểm dịch hợp lệ, động vật không có dấu hiệu mắc bệnh nguy hiểm thì xác nhận để làm thủ tục và chuyển động vật đến khu cách ly kiểm dịch hoặc đến địa điểm đã được kiểm tra, có đủ điều kiện để cách ly kiểm dịch;

+ Giám sát động vật tại khu cách ly kiểm dịch hoặc tại địa điểm có đủ điều kiện cách ly kiểm dịch; thời gian theo dõi cách ly kiểm dịch phù hợp với từng loài động vật, từng bệnh được kiểm tra nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày bắt đầu cách ly kiểm dịch;

+ Lấy mẫu kiểm tra bệnh động vật, áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật theo quy định;

+ Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với động vật đạt yêu cầu vệ sinh thú y và thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi đến;

+ Hướng dẫn chủ hàng thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.

- Đối với sản phẩm động vật nhập khẩu, Cục Thú y thực hiện kiểm dịch như sau:

+ Kiểm tra hồ sơ khai báo kiểm dịch, thực trạng hàng hóa, nếu đạt yêu cầu thì lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo quy định;

+ Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm động vật đạt yêu cầu vệ sinh thú y và thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi đến;

+ Hướng dẫn chủ hàng thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.

- Trường hợp động vật, sản phẩm động vật không đạt yêu cầu thì lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật.

 

416 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;