Trách nhiệm của Hội đồng thẩm định trong việc quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê

Cho tôi hỏi trách nhiệm của Hội đồng thẩm định trong việc quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê được quy định như thế nào? – Hải Nam (Bắc Giang)

Trách nhiệm của Hội đồng thẩm định trong việc quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê

Trách nhiệm của Hội đồng thẩm định trong việc quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê (Hình từ internet)

Trách nhiệm của Hội đồng thẩm định trong việc quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê

Theo Điều 12 Nghị định 53/2019/NĐ-CP quy định về Hội đồng thẩm định quy hoạch như sau:

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định.

- Hội đồng thẩm định quy hoạch có ít nhất 11 thành viên, bao gồm:

+ Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

+ Phó chủ tịch hội đồng;

+ Các thành viên của hội đồng bao gồm đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quy hoạch, đại diện cơ quan lập quy hoạch và một số cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuyên gia về quy hoạch, trong đó có 02 thành viên là ủy viên phản biện.

- Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng thẩm định

+ Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm về hoạt động của Hội đồng thẩm định; tổ chức, điều hành các cuộc họp của Hội đồng thẩm định; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng thẩm định; báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch;

+ Ủy viên phản biện có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng thẩm định; nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch; chuẩn bị ý kiến phản biện bằng văn bản gửi cho Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định trước khi họp Hội đồng thẩm định;

+ Thành viên Hội đồng thẩm định tham dự cuộc họp của Hội đồng thẩm định; nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch; chuẩn bị ý kiến bằng văn bản tại các cuộc họp của Hội đồng thẩm định về lĩnh vực chuyên môn và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch hội đồng giao; được quyền bảo lưu ý kiến.

- Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ, cung cấp hồ sơ trình thẩm định quy hoạch cho các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu tham gia ý kiến; tổ chức họp Hội đồng thẩm định theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thẩm định; dự thảo biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định, dự thảo Báo cáo thẩm định quy hoạch.

Quy trình thẩm định quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê

Việc thẩm định quy hoạch được quy định tại Điều 15 Nghị định 53/2019/NĐ-CP như sau:

- Cơ quan lập quy hoạch gửi hồ sơ thẩm định quy hoạch đến Hội đồng thẩm định thông qua Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định để gửi đến các thành viên hội đồng thẩm định quy hoạch.

- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thẩm định quy hoạch các ủy viên phản biện phải gửi ý kiến bằng văn bản tới Hội đồng thẩm định thông qua Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định để tổ chức họp.

Lưu ý: Trường hợp cần thiết, hội đồng thẩm định quy hoạch lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác có liên quan về nội dung quy hoạch bằng tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề và tổng hợp ý kiến báo cáo hội đồng thẩm định quy hoạch; hội đồng thẩm định quy hoạch có quyền yêu cầu cơ quan trình thẩm định quy hoạch cung cấp thêm thông tin và giải trình về các nội dung có liên quan.

- Phiên họp thẩm định quy hoạch được tiến hành khi có mặt ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên hội đồng thẩm định, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch và 02 ủy viên phản biện.

- Cơ chế ra quyết định của hội đồng thẩm định

+ Hội đồng thẩm định quy hoạch làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận công khai, biểu quyết bằng phiếu theo đa số;

+ Quy hoạch đủ điều kiện trình phê duyệt khi có ít nhất ba phần tư (3/4) số thành viên hội đồng thẩm định dự họp bỏ phiếu đồng ý thông qua hoặc thông qua có chỉnh sửa.

- Báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch

+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hội đồng thẩm định họp, hội đồng có trách nhiệm hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch;

+ Báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch phải thể hiện rõ ý kiến của các thành viên hội đồng và kết luận của Chủ tịch hội đồng thẩm định.

- Trường hợp quy hoạch được hội đồng thẩm định thông qua hoặc thông qua có chỉnh sửa, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp quy hoạch không được hội đồng thẩm định thông qua, trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm hoàn thiện lại hồ sơ, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đoàn Đức Tài

346 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;