Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương

Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương
Tran Thanh Rin

Tôi muốn biết để phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương thì cần dựa vào các tiêu chí gì? - Kim Yên (Ninh Thuận)

Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương

Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương

Theo Điều 3 Thông tư 16/2022/TT-BCT, việc phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương được dựa trên các tiêu chí sau đây:

1.1. Phân loại theo mức độ tự chủ tài chính

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên;

- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;

- Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

1.2. Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ

(i) Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước

+ Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng nghiên cứu phục vụ hoạch định chiến lược và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về ngành, lĩnh vực công thương;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin về ngành, lĩnh vực công thương;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động ngành công thương;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện các chức năng khác phục vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực công thương.

(ii) Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kiểm định, giám định, chứng nhận, thử nghiệm, tư vấn và hỗ trợ an toàn công nghiệp;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực môi trường và sản xuất sạch hơn

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực hóa chất, quản lý hóa chất và ứng phó sự cố và an toàn hóa chất;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực hỗ trợ điện lực và phát triển thị trường điện;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực quản lý dự án năng lượng và năng lượng tái tạo, quản lý vận hành hệ thống thông tin năng lượng;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực phòng vệ thương mại;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực xuất nhập khẩu;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành công thương;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ số;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khuyến công;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin truyền thông ngành công thương;

+Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, môi trường công nghiệp;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công khác thuộc lĩnh vực công thương.

(iii) Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện ít nhất một chức năng, nhiệm vụ quy định tại (i) và một chức năng quy định ở (ii).

Việc xác định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành, lĩnh vực công thương tại khoản này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Điều kiện sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực công thương

Cụ thể tại Điều 5 Thông tư 16/2022/TT-BCT, điều kiện sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực công thương quy định như sau:

(1) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương được sáp nhập, hợp nhất khi không đáp ứng được một trong các điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP.

(2) Có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng quy định về số lượng người làm việc tối thiểu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP.

(3) Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp nhập, hợp nhất sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

(4) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương ở nước ngoài: ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định ở (1), (2), (3) cần đảm bảo phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập.

636 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;