Hồ sơ, thủ tục tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được quy định như thế nào? – Quốc Tuấn (Sóc Trăng)
Thủ tục tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Thủ tục tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được quy định tại Quyết định 2060/QĐ-BKHCN năm 2023 như sau:
- Thành phần hồ sơ đề nghị tách đơn đăng ký sở hữu sở hữu công nghiệp bao gồm:
+ Tờ khai đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu theo Mẫu số 01, 07, 08 Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP;
+ Bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu khi nộp đơn tách;
+ Giấy uỷ quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);
+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
- Cách thức nộp hồ sơ đề nghị tách đơn đăng ký sở hữu sở hữu công nghiệp:
+ Nộp trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
+ Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
- Bước 1: Tiếp nhận đơn
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đến Cục Sở hữu trí tuệ.
- Bước 2: Xử lý đơn
+ Đơn tách được mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc (các) ngày ưu tiên của đơn ban đầu.
+ Trường hợp đơn không có thiếu sót, đơn tách được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa hoàn tất đối với đơn ban đầu. Đơn tách được công bố lại nếu việc tách đơn được thực hiện sau khi đã có thông báo chấp nhận đơn hợp lệ đối với đơn ban đầu. Đơn ban đầu (sau khi bị tách) tiếp tục được xử lý theo thủ tục xử lý đơn hoặc theo thủ tục sửa đổi đơn.
+ Trường hợp đơn có thiếu sót, không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận tách đơn, nêu rõ lý do để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Nếu người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối chấp nhận yêu cầu tách đơn.
- Mỗi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ cho một đối tượng sở hữu công nghiệp duy nhất, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 101 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
- Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền sáng chế hoặc một Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo chung duy nhất.
- Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho nhiều kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:
+ Các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;
+ Một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó, theo ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đó.
- Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ khác nhau.
(Điều 101 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |