Cho tôi hỏi thủ tục lựa chọn nhà thầu được quy định như thế nào? Nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu ra sao? - Hồng Phương (Tiền Giang)
Thủ tục lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu 2023 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Thủ tục lựa chọn nhà thầu theo Điều 43 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
- Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế bao gồm các bước sau đây:
+ Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
+ Đánh giá hồ sơ dự thầu;
+ Thương thảo hợp đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn.
Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, cung cấp dịch vụ phi tư vấn áp dụng đấu thầu quốc tế, gói thầu hỗn hợp và gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, trường hợp cần thiết, bên mời thầu có thể thương thảo hợp đồng với nhà thầu xếp hạng thứ nhất;
+ Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và giải thích lý do nhà thầu không trúng thầu theo yêu cầu của nhà thầu (nếu có);
+ Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
- Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với chỉ định thầu bao gồm các bước sau đây:
+ Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
+ Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về đề xuất của một hoặc các nhà thầu (nếu có);
+ Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
+ Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng;
Đối với trường hợp quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng quy trình rút gọn bao gồm các bước sau: chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu; hoàn thiện hợp đồng; trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
- Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với chào hàng cạnh tranh bao gồm các bước sau đây:
+ Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
+ Đánh giá hồ sơ dự thầu;
+ Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và giải thích lý do nhà thầu không trúng thầu theo yêu cầu của nhà thầu (nếu có);
+ Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
Nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu theo Điều 44 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
- Hồ sơ mời thầu bao gồm:
+ Chỉ dẫn nhà thầu, tùy chọn mua thêm (nếu có);
+ Bảng dữ liệu đấu thầu;
+ Tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; kỹ thuật; tài chính, thương mại; uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu, thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và chất lượng hàng hóa tương tự đã sử dụng.
Trường hợp sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt, hồ sơ mời thầu phải nêu rõ phạm vi công việc và yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt;
+ Biểu mẫu mời thầu và dự thầu;
+ Phạm vi cung cấp, yêu cầu về kỹ thuật, điều khoản tham chiếu;
+ Điều kiện và biểu mẫu hợp đồng;
+ Các hồ sơ, bản vẽ và các nội dung khác (nếu có).
- Hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ. Trường hợp gói thầu thuộc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 và đáp ứng đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 nhưng người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu thì hồ sơ mời thầu được quy định về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa.
- Hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
- Trường hợp hồ sơ mời thầu có các nội dung vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023 thì các nội dung này sẽ bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá hồ sơ dự thầu.
- Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm trực tiếp bao gồm các bước sau đây:
+ Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
+ Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về đề xuất của nhà thầu;
+ Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
+ Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
- Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với tự thực hiện bao gồm các bước sau đây:
+ Chuẩn bị phương án tự thực hiện, bao gồm dự thảo thỏa thuận giao việc;
+ Hoàn thiện phương án tự thực hiện;
+ Phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
+ Ký kết thỏa thuận giao việc; quản lý việc thực hiện gói thầu.
- Lựa chọn tư vấn cá nhân được áp dụng khi công việc của gói thầu chỉ yêu cầu một hoặc một số chuyên gia có kinh nghiệm, năng lực thực hiện mà không cần sự tham gia của tổ chức, không yêu cầu các điều kiện để thực hiện công việc như đối với nhà thầu là tổ chức. Quy trình, thủ tục lựa chọn tư vấn cá nhân bao gồm các bước sau đây:
+ Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
+ Đánh giá hồ sơ lý lịch khoa học của nhà thầu tư vấn cá nhân;
+ Thương thảo hợp đồng;
+ Trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
+ Ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
- Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng bao gồm các bước sau đây:
+ Chuẩn bị phương án lựa chọn cộng đồng dân cư, tổ, nhóm thợ tại địa phương để triển khai thực hiện gói thầu;
+ Tổ chức lựa chọn;
+ Phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn;
+ Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |