Cho tôi hỏi quy định về Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự như thế nào? - Hoàng Phúc (Vĩnh Long)
Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự là ai? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 22 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải là Chấp hành viên.
Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án trong quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự theo Điều 23 Luật Thi hành án dân sự 2008 như sau:
- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Ra quyết định về thi hành án theo thẩm quyền;
+ Quản lý, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự;
+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp tổ chức thi hành án;
+ Yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành;
+ Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật;
+ Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;
+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên;
+ Tổ chức thực hiện chế độ báo cáo, thống kê thi hành án;
+ Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có quyền điều động, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, kiểm tra công tác thi hành án đối với Chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn và những việc khác theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
- Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm trong phạm vi công việc được giao.
Tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự theo Điều 72 Nghị định 62/2015/NĐ-CP như sau:
- Chi Cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự phải có các tiêu chuẩn sau đây:
+ Là Chấp hành viên sơ cấp trở lên;
+ Có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác;
+ Có kinh nghiệm thực tiễn về thi hành án dân sự;
+ Có năng lực điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chi cục Thi hành án dân sự;
+ Các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.
- Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự phải có các tiêu chuẩn sau đây:
+ Là Chấp hành viên trung cấp trở lên;
+ Có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác.
+ Có kinh nghiệm thực tiễn về thi hành án dân sự;
+ Có năng lực điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Cục Thi hành án dân sự;
+ Các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự.
Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thực hiện theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |