Xin hỏi thời hạn điều tra tai nạn lao động trong Bộ Quốc Phòng được tính từ khi nào? - Quốc Trường (Hà Nội)
Thời hạn điều tra tai nạn lao động trong Bộ Quốc Phòng được tính từ khi nào? (Hình ảnh từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 11 Thông tư 01/2017/TT-BQP quy định về thời gian điều tra tai nạn lao động trong Bộ Quốc phòng như sau:
- Thời hạn điều tra vụ tai nạn lao động được tính từ thời điểm nhận tin báo, khai báo tai nạn lao động đến khi công bố biên bản điều tra tai nạn lao động:
+ Không quá 04 ngày đối với vụ tai nạn lao động nhẹ;
+ Không quá 07 ngày đối với vụ tai nạn lao động làm bị thương nặng một người;
+ Không quá 20 ngày đối với vụ tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người trở lên;
+ Không quá 30 ngày đối với tai nạn lao động chết người; không quá 60 ngày đối với tai nạn lao động cần phải giám định kỹ thuật hoặc giám định pháp y.
Trường hợp các vụ tai nạn lao động có dấu hiệu tội phạm do cơ quan Điều tra hình sự tiến hành điều tra nhưng sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì thời hạn điều tra được tính từ khi đoàn điều tra tai nạn lao động nhận được đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động.
- Đối với tai nạn lao động có tình tiết phức tạp thì được gia hạn điều tra một lần, nhưng thời hạn gia hạn không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1, Điều 11 Thông tư 01/2017/TT-BQP ; trước khi hết hạn điều tra 05 ngày làm việc, trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động phải báo cáo việc gia hạn và được sự đồng ý của người ra quyết định thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 01/2017/TT-BQP quy định về hồ sơ vụ tai nạn lao động như sau:
- Chỉ huy đơn vị để xảy ra tai nạn lao động có trách nhiệm lập Hồ sơ vụ tai nạn lao động. Hồ sơ vụ tai nạn lao động bao gồm bản chính hoặc bản sao các tài liệu sau đây:
+ Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có);
+ Sơ đồ hiện trường;
+ Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân;
+ Biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm thương tích, trừ trường hợp mất tích theo tuyên bố của Tòa án;
+ Biên bản giám định kỹ thuật, giám định pháp y, giám định tư pháp (nếu có);
+ Biên bản lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động;
+ Biên bản điều tra tai nạn lao động;
+ Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động;
+ Giấy chứng thương của bệnh viện được điều trị (nếu có);
+ Giấy ra viện của bệnh viện được điều trị (nếu có).
- Trong một vụ tai nạn lao động, nếu có nhiều người bị tai nạn lao động thì mỗi người bị tai nạn lao động được lập một hồ sơ riêng.
- Lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động:
+ Chỉ huy đơn vị để xảy ra tai nạn lao động lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động tại đơn vị trong thời hạn 15 năm đối với vụ tai nạn lao động chết người hoặc đến khi người bị tai nạn lao động nghỉ hưu đối với vụ tai nạn lao động khác;
+ Cơ quan thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng và cấp Bộ Quốc phòng lưu trữ hồ sơ vụ tai nạn lao động theo quy định của Pháp luật về lưu trữ.
Tô Quốc Trình
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |