Cho tôi hỏi thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân được quy định như thế nào? - Kim Chi (Hà Nội)
Thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân theo Điều 8 Luật Phá sản 2014 như sau:
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
+ Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
- Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Phá sản 2014.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản theo Điều 9 Luật Phá sản 2014 như sau:
- Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản trong trường hợp cần thiết.
- Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
- Quyết định chỉ định hoặc thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
- Giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
- Quyết định việc thực hiện kiểm toán doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong trường hợp cần thiết.
- Quyết định việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán sau khi mở thủ tục phá sản để bảo đảm chi phí phá sản.
- Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
- Áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền dẫn giải đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức Hội nghị chủ nợ.
- Quyết định công nhận Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
- Quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản.
- Quyết định tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
- Áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.
- Tham khảo quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.
- Phải từ chối giải quyết phá sản nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Phá sản 2014:
+ Đồng thời là người tham gia thủ tục phá sản; người đại diện, người thân thích của người tham gia thủ tục phá sản trong vụ việc phá sản đó;
+ Đã tham gia với tư cách Kiểm sát viên, Quản tài viên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia thủ tục phá sản, người giám định, thẩm định giá, định giá, người phiên dịch trong vụ việc phá sản đó;
+ Cùng trong một Tổ Thẩm phán giải quyết phá sản đó và là người thân thích với nhau;
+ Đã tham gia ra quyết định tuyên bố phá sản đối với vụ việc phá sản đó;
+ Có căn cứ rõ ràng cho rằng Thẩm phán có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |