Xin hỏi số lượng thành viên của ban đại diện chủ nợ giải quyết thủ tục phá sản gồm mấy người? Nội dung và trình tự Hội nghị chủ nợ như thế nào? - Hoàng Anh (Long An)
Số lượng thành viên của ban đại diện chủ nợ giải quyết thủ tục phá sản (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 82 Luật Phá sản năm 2014 quy định ban đại diện chủ nợ có từ 03 đến 05 thành viên do các chủ nợ bầu tại Hội nghị chủ nợ, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên.
Ban đại diện chủ nợ thay mặt cho các chủ nợ thực hiện giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ, đề xuất với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về việc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ.
Trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện đề xuất thì Ban đại diện chủ nợ có quyền thông báo bằng văn bản với Thẩm phán phụ trách giải quyết phá sản.
- Hội nghị chủ nợ được tiến hành như sau:
+ Thẩm phán được phân công phụ trách khai mạc Hội nghị chủ nợ;
+ Hội nghị chủ nợ biểu quyết thông qua việc cử Thư ký Hội nghị chủ nợ theo đề xuất của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để ghi biên bản Hội nghị chủ nợ;
+ Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo về sự có mặt, vắng mặt của người tham gia Hội nghị chủ nợ theo thông báo triệu tập của Tòa án nhân dân, lý do vắng mặt và kiểm tra căn cước của người tham gia Hội nghị chủ nợ;
+ Thẩm phán thông báo với Hội nghị chủ nợ về những người tham gia Hội nghị chủ nợ và nội dung việc giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
+ Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thông báo cho Hội nghị chủ nợ về tình hình kinh doanh, thực trạng tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; kết quả kiểm kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ và các nội dung khác nếu xét thấy cần thiết;
+ Chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã trình bày ý kiến về nội dung do Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã thông báo cho Hội nghị, đề xuất phương án, giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, khả năng và thời hạn thanh toán nợ;
+ Chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ nợ trình bày về những vấn đề cụ thể yêu cầu giải quyết, lý do, mục đích và căn cứ của việc yêu cầu giải quyết phá sản;
+ Người có liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ trong việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản;
+ Người làm chứng trình bày ý kiến; người giám định, đại diện cơ quan thẩm định giá trình bày kết luận giám định, kết quả định giá; người thực hiện biện pháp bổ trợ tư pháp khác giải thích những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn;
+ Trường hợp có người vắng mặt thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cho công bố ý kiến bằng văn bản, tài liệu, chứng cứ do người đó cung cấp;
+ Hội nghị chủ nợ thảo luận về các nội dung do Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã thông báo và ý kiến của những người tham gia Hội nghị chủ nợ;
+ Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia Hội nghị chủ nợ có quyền đề nghị Thẩm phán ra quyết định thay người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
+ Các chủ nợ có quyền thành lập Ban đại diện chủ nợ.
- Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ được thông qua khi có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành. Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các chủ nợ.
(Điều 81 Luật Phá sản năm 2014)
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |