Tôi muốn biết người được cấp văn bằng, chứng chỉ có các quyền và nghĩa vụ như thế nào? - Đình Quang (Quảng Ngãi)
Quyền và nghĩa vụ của người được cấp văn bằng, chứng chỉ (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Văn bằng là giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc chứng nhận học vị, bằng cấp.
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Luật Giáo dục 2019 quy định về văn bằng như sau:
- Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định Luật Giáo dục 2019.
- Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm:
+ Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở;
+ Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông;
+ Bằng tốt nghiệp trung cấp;
+ Bằng tốt nghiệp cao đẳng;
+ Bằng cử nhân;
+ Bằng thạc sĩ;
+ Bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Chứng chỉ có thể được hiểu là văn bằng chính thức chứng nhận do cơ quan giáo dục có thẩm quyền cấp về một trình độ học vấn nhất định, có giá trị pháp lý lâu dài.
Cụ thể tại khoản 3 Điều 12 Luật Giáo dục 2019 quy định chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định.
Cụ thể tại khoản 1 Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT quy định về quyền của người được cấp văn bằng, chứng chỉ như sau:
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ cấp đúng thời hạn quy định; ghi chính xác, đầy đủ các thông tin trên văn bằng, chứng chỉ; cấp lại văn bằng, chứng chỉ hoặc chỉnh sửa nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ theo quy định tại Quy chế này;
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc khi có nhu cầu.
Người được cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ như sau:
- Cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin cần thiết để cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ ghi nội dung trên văn bằng, chứng chỉ;
- Kiểm tra tính chính xác các thông tin ghi trên văn bằng, chứng chỉ trước khi ký nhận văn bằng, chứng chỉ;
- Phải có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật khi không trực tiếp đến nhận văn bằng, chứng chỉ;
- Giữ gìn, bảo quản văn bằng, chứng chỉ; không được tẩy xóa, sửa chữa các nội dung trên văn bằng, chứng chỉ; không được cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ;
- Sử dụng quyết định chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ kèm theo văn bằng, chứng chỉ sau khi - Trình báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ và cơ quan công an nơi gần nhất khi bị mất văn bằng, chứng chỉ;
- Nộp lại văn bằng, chứng chỉ cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi văn bằng, chứng chỉ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi văn bằng, chứng chỉ.
Trường hợp văn bằng, chứng chỉ bị mất, phải cam kết bằng văn bản về việc bị mất văn bằng, chứng chỉ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam kết.
(Khoản 2 Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT)
Cụ thể tại Điều 16 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT quy định về điều kiện cấp văn bằng, chứng chỉ như sau:
- Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định và hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học.
- Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người dự thi lấy chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |