Quy định về thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế

Quy định về thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi việc thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế được quy định như thế nào? - Hoàng Yến (Tiền Giang)

Quy định về thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế

Quy định về thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Quy định về thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế

Quy định về thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế theo Điều 120 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

- Thẩm quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã được kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật được quy định như sau:

+ Chánh Thanh tra Bộ Tài chính quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Tổng cục trưởng kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tài chính khi được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao;

+ Tổng cục trưởng quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Cục trưởng thuộc Tổng cục kết luận;

+ Cục trưởng quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chi cục trưởng thuộc Cục kết luận;

+ Quyết định thanh tra lại bao gồm các nội dung được quy định tại Điều 114 Luật Quản lý thuế 2019. Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra lại phải gửi quyết định thanh tra lại cho đối tượng thanh tra. Quyết định thanh tra lại phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký và phải được đoàn thanh tra lập biên bản công bố quyết định thanh tra lại.

- Việc thanh tra lại được thực hiện khi có một trong những căn cứ sau đây:

+ Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra;

+ Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra;

+ Nội dung kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra hoặc có dấu hiệu rủi ro cao theo tiêu chí đánh giá rủi ro qua phân tích đánh giá rủi ro;

+ Người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

+ Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

- Thời hiệu thanh tra lại, thời hạn thanh tra lại được quy định như sau:

+ Thời hiệu thanh tra lại là 02 năm kể từ ngày ký kết luận thanh tra;

+ Thời hạn thanh tra lại được thực hiện theo quy định tại Điều 115 Luật Quản lý thuế 2019.

- Khi tiến hành thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 116 và Điều 117 Luật Quản lý thuế 2019.

- Kết luận thanh tra lại, công khai kết luận thanh tra lại được quy định như sau:

+ Kết luận thanh tra lại được thực hiện theo quy định tại Điều 119 Luật Quản lý thuế 2019. Nội dung kết luận thanh tra lại phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tiến hành thanh tra, kết luận thanh tra và kiến nghị biện pháp xử lý.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra lại phải gửi kết luận thanh tra lại cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên;

- Việc công khai kết luận thanh tra lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Quy định về kết luận thanh tra thuế

Quy định về kết luận thanh tra thuế theo Điều 119 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

- Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra thuế trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, người ra quyết định thanh tra thuế phải có văn bản kết luận thanh tra thuế. Kết luận thanh tra thuế phải có các nội dung chính sau đây:

+ Đánh giá việc thực hiện pháp luật về thuế của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra thuế;

+ Kết luận về nội dung được thanh tra thuế;

+ Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm;

+ Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

- Trong quá trình ra văn bản kết luận, quyết định xử lý, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc ra kết luận, quyết định xử lý.

 

946 lượt xem



Related Article
  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;