Cho tôi hỏi sự cố trong quá trình thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình được phân thành mấy cấp? - Kim Chi (Hậu Giang)
Phân cấp sự cố trong quá trình thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 43 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì sự cố công trình xây dựng được chia thành ba cấp theo mức độ hư hại công trình hoặc thiệt hại về người, bao gồm sự cố cấp I, cấp II và cấp III như sau:
- Sự cố cấp I bao gồm:
+ Sự cố công trình xây dựng làm chết từ 6 người trở lên;
+ Sự cố gây sập đổ công trình; sập đổ một phần công trình hoặc hư hỏng có nguy cơ gây sập đổ toàn bộ công trình cấp I trở lên.
- Sự cố cấp II bao gồm:
+ Sự cố công trình xây dựng làm chết từ 1 đến 5 người;
+ Sự cố gây sập đổ công trình; sập đổ một phần công trình hoặc hư hỏng có nguy cơ gây sập đổ toàn bộ công trình cấp II, cấp III.
- Sự cố cấp III bao gồm các sự cố còn lại ngoài các sự cố công trình xây dựng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 43 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Việc báo cáo sự cố công trình xây dựng theo Điều 44 Nghị định 06/2021/NĐ-CP như sau:
- Ngay sau khi xảy ra sự cố, bằng biện pháp nhanh nhất chủ đầu tư phải thông báo về sự cố bao gồm thông tin về tên và vị trí xây dựng công trình, sơ bộ về sự cố và thiệt hại (nếu có) cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình (nếu có).
Ngay sau khi nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về sự cố.
- Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư báo cáo về sự cố bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố.
Đối với tất cả các sự cố có thiệt hại về người thì chủ đầu tư gửi báo cáo cho Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Báo cáo bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Tên công trình, vị trí xây dựng, quy mô công trình;
+ Tên các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình;
+ Mô tả về sự cố, tình trạng công trình xây dựng khi xảy ra sự cố, thời điểm xảy ra sự cố;
+ Thiệt hại về người và tài sản (nếu có).
- Đối với các sự cố công trình đi qua địa bàn 02 tỉnh trở lên, sau khi nhận được báo cáo bằng văn bản hoặc nhận được thông tin về sự cố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm gửi báo cáo sự cố cho Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.
- Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan cung cấp thông tin về sự cố.
- Trường hợp sự cố công trình xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều 44 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Theo Điều 47 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý, sử dụng có trách nhiệm lập hồ sơ sự cố bao gồm các nội dung sau:
- Biên bản kiểm tra hiện trường sự cố với các nội dung: Tên công trình, hạng mục công trình xảy ra sự cố; địa điểm xây dựng công trình, thời điểm xảy ra sự cố, mô tả sơ bộ và diễn biến sự cố; tình trạng công trình khi xảy ra sự cố; sơ bộ về tình hình thiệt hại về người và tài sản; sơ bộ về nguyên nhân sự cố.
- Các tài liệu về thiết kế và thi công xây dựng công trình liên quan đến sự cố.
- Hồ sơ giám định nguyên nhân sự cố.
- Các tài liệu liên quan đến quá trình giải quyết sự cố.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |