Nội dung chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Nội dung chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại
Tran Thanh Rin

Xin cho tôi hỏi nội dung chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại được quy định như thế nào? – Thùy Chi (Bình Định)

Nội dung chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Nội dung chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Thế nào pháp nhân thương mại?

Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

Trong đó, pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

(Khoản 1, 2 Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015)

2. Xác định chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Việc xác định chi phí cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định 44/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Chi phí cưỡng chế được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế đã phát sinh trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế phù hợp với giá cả ở từng địa phương.

- Chi phí cưỡng chế bao gồm:

+ Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế;

+ Chi phí thù lao cho người định giá để tổ chức đấu giá, chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản;

+ Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản;

+ Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên;

+ Chi phí chuyển việc thi hành quyết định cưỡng chế;

+ Chi phí thực hiện biện pháp tư pháp;

+ Chi phí thực tế khác (nếu có).

(Khoản 1 Điều 4 Thông tư 55/2021/TT-BTC)

3. Nội dung chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 55/2021/TT-BTC, các nội dung chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại bao gồm:

- Các chi phí quy định tại mục 2 được thực hiện căn cứ vào hợp đồng, thanh lý hợp đồng, biên bản bàn giao tài sản kê biên (đối với chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên), hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành và được người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt.

- Riêng chi bồi dưỡng cho những người được huy động trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế như sau:

Mức chi cho người chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế thuộc cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế là 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế, mức chi cho người được huy động tham gia thi hành quyết định cưỡng chế là 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.

4. Quy định về nộp và tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Cụ thể tại Điều 6 Thông tư 55/2021/TT-BTC quy định về nộp và tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại như sau:

(1) Trước khi tổ chức việc cưỡng chế, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phê duyệt dự toán chi phí cưỡng chế. Dự toán chi phí cưỡng chế được lập căn cứ vào biện pháp cưỡng chế cần áp dụng, thời gian, địa điểm cưỡng chế, phương án tiến hành cưỡng chế, lực lượng tham gia (số lượng, thành phần tham gia) phục vụ cho cưỡng chế.

Dự toán chi phí cưỡng chế sau khi được phê duyệt phải được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế 01 bản cùng với quyết định cưỡng chế, quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp

(Đối với biện pháp phong tỏa tài khoản) để nộp chi phí cưỡng chế (văn bản ghi rõ ngày, tháng, năm xử phạt, số tiền phải thanh toán, địa chỉ thanh toán bằng tiền mặt hoặc số tài khoản nếu thanh toán bằng chuyển khoản và các thông tin cần thiết khác).

Đồng thời, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phải gửi tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, công ty chứng khoán đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp và cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp (trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định 44/2020/NĐ-CP).

Trường hợp thực hiện việc cưỡng chế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại, số tiền khấu trừ không được vượt quá số tiền để thi hành biện pháp tư pháp và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.

Ngay sau khi nhận được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp thì tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại, công ty chứng khoán nơi pháp nhân thương mại mở tài khoản chứng khoán phải khấu trừ tiền trong tài khoản và chuyển cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền để tổ chức cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp.

(2) Trường hợp chưa thu được chi phí cưỡng chế từ đối tượng bị cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện nộp hoặc lý do khách quan khác, căn cứ dự toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế (hoặc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định 44/2020/NĐ-CP) đề nghị cơ quan ra quyết định cưỡng chế tạm ứng chi phí cưỡng chế từ dự toán kinh phí cưỡng chế để thực hiện.

Mức tạm ứng tối đa bằng dự toán kinh phí cưỡng chế được giao của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.

(3) Hồ sơ tạm ứng bao gồm dự toán năm được cấp có thẩm quyền giao, văn bản phê duyệt dự toán chi phí cưỡng chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giấy rút dự toán ngân sách (tạm ứng) theo quy định.

462 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;