Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục An toàn thực phẩm

Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục An toàn thực phẩm
Nguyen Thi Diem My

Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ nào? Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục An toàn thực phẩm gồm những gì? – Trúc Linh (Hà Nội)

Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục An toàn thực phẩm

Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục An toàn thực phẩm (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Vị trí và chức năng của Cục An toàn thực phẩm

Cục An toàn thực phẩm là cục chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế được phân công quản lý trong phạm vi cả nước.

Cục An toàn thực phẩm có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, tài khoản riêng và có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội.

(Điều 1 Quyết định 2728/QĐ-BYT năm 2018)

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục An toàn thực phẩm

- Chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ Y tế và hướng dẫn, tổ chức thực hiện.

- Chủ trì xây dựng, sửa đổi, bổ sung trình cấp có thẩm quyền ban hành:

+ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ Y tế;

+ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định về chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm theo đề nghị của các bộ quản lý chuyên ngành;

+ Quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh thực phẩm và các quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc phạm vi được phân công quản lý của Bộ Y tế; hướng dẫn Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe;

+ Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, nhà hàng trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố;

+ Quy định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế;

+ Quy định về quản lý phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng bổ sung vào thực phẩm thuộc lĩnh vực dược phân công quản lý của Bộ Y tế;

+ Hướng dẫn, phân công, phân cấp các đơn vị tham gia, thực hiện quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế tại các tuyến.

- Chủ trì, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật; tham gia rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển hóa, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc giám sát, đánh giá nguy cơ, phòng ngừa, điều tra và phối hợp ngăn chặn ngộ độc thực phẩm, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với thực phẩm chức năng, các vi chất dinh dưỡng bổ sung vào thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, đá thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và các sản phẩm khác không được quy định trong danh mục thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Tổ chức tiếp nhận, quản lý hồ sơ và cấp, thu hồi: giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định; giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe; giấy đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm nhanh đối với các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức tiếp nhận, quản lý hồ sơ và cấp, cấp đổi, đình chỉ, thu hồi: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe; giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức tiếp nhận, quản lý hồ sơ và cấp, thu hồi: Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi được phân công quản lý của Bộ Y tế khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu; giấy chứng nhận y tế và các giấy chứng nhận khác đối với các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức tiếp nhận, quản lý hồ sơ và cấp, thu hồi: giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định đối với thuốc lá.

- Đầu mối tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định:

+ Cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng thực phẩm thuộc phạm vi được phân công quản lý của Bộ Y tế; cơ sở kiểm nghiệm trọng tài và kết luận cuối cùng khi có sự khác biệt về kết quả kiểm nghiệm của các đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm trong và ngoài ngành y tế;

+ Cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu đối với các sản phẩm thuộc phạm vi được phân công quản lý của Bộ Y tế.

- Quyết định chỉ định, chỉ định lại, tạm đình chỉ, thu hồi quyết định chỉ định đối với:

+ Các tổ chức chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi được phân công quản lý của Bộ Y tế;

+ Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước thuộc phạm vi được phân công quản lý của Bộ Y tế.

- Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về công tác quản lý an toàn thực phẩm cho Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về an toàn thực phẩm.

- Tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tham gia chỉ đạo, hướng dẫn việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

- Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm và thường trực của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm (Ủy ban Codex) Việt Nam.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm; tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở giám sát và tổng hợp báo cáo của các bộ quản lý chuyên ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

- Quản lý tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, tài sản và kinh phí được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác được Bộ trưởng Bộ Y tế giao.

(Điều 2 Quyết định 2728/QĐ-BYT năm 2018)

639 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;