Bài viết sau có nội dung về mức xử phạt vi phạm hành chính vi phạm về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng được quy định trong Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Mức xử phạt vi phạm hành chính vi phạm về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt vi phạm hành chính vi phạm về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ lịch làm việc; thủ tục công chứng; nội quy tiếp người yêu cầu công chứng; phí công chứng, thù lao công chứng, chi phí khác; danh sách cộng tác viên phiên dịch tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng;
+ Đăng báo nội dung đăng ký hoạt động không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung hoặc không đúng số lần theo quy định;
+ Thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ chế độ báo cáo; báo cáo không chính xác về tình hình tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng;
+ Lập, quản lý, sử dụng sổ trong hoạt động công chứng hoặc sử dụng biểu mẫu không đúng quy định;
+ Lưu trữ hồ sơ công chứng không đúng quy định;
+ Sử dụng biển hiệu không đúng mẫu hoặc nội dung biển hiệu không đúng giấy đăng ký hoạt động;
+ Phân công công chứng viên hướng dẫn tập sự không đúng quy định;
+ Từ chối tiếp nhận người tập sự hành nghề công chứng do Sở Tư pháp chỉ định mà không có lý do chính đáng;
+ Từ chối nhận lưu giữ di chúc mà không có lý do chính đáng;
+ Không duy trì việc đáp ứng điều kiện về trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định;
+ Không đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng vào văn bản công chứng đã có chữ ký của công chứng viên hoặc không đóng dấu giáp lai giữa các tờ đối với văn bản công chứng có từ 02 tờ trở lên;
+ Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp liên tục cho công chứng viên của tổ chức mình;
+ Không tạo điều kiện cho công chứng viên của tổ chức mình tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không đăng báo nội dung đăng ký hoạt động theo quy định;
+ Không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;
+ Không có biển hiệu theo quy định;
+ Không lập sổ trong hoạt động công chứng theo quy định;
+ Thu thù lao công chứng cao hơn mức trần do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành hoặc cao hơn mức thù lao đã niêm yết; thu chi phí khác cao hơn mức chi phí đã thoả thuận;
+ Thu phí công chứng không đúng theo quy định;
+ Không thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước;
+ Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản không đúng thời hạn hoặc địa điểm hoặc nội dung theo quy định;
+ Không chia sẻ thông tin lên phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin khác về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch do công chứng viên của tổ chức mình công chứng;
+ Không thông báo bằng văn bản danh sách cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở;
+ Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không bảo đảm mức phí tối thiểu hoặc không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ cho tất cả công chứng viên của tổ chức mình theo quy định;
+ Đăng ký hoạt động không đúng thời hạn theo quy định.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung quyết định cho phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng;
+ Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình;
+ Lưu trữ hồ sơ công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Tư pháp.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không đăng ký hoạt động theo quy định;
+ Không đăng ký nội dung thay đổi về tên gọi của văn phòng công chứng hoặc họ tên trưởng văn phòng công chứng hoặc địa chỉ trụ sở hoặc danh sách công chứng viên hợp danh hoặc danh sách công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng của văn phòng công chứng;
+ Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng hoặc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài hoạt động công chứng đã đăng ký hoặc hoạt động không đúng nội dung đã đăng ký;
+ Không thỏa thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc; không trả lại di chúc và phí lưu giữ di chúc trong trường hợp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được với người lập di chúc trước khi tổ chức hành nghề công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể;
+ Không đăng ký hành nghề cho công chứng viên của tổ chức mình theo quy định;
+ Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình;
+ Không niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc việc thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản trước khi thực hiện việc công chứng;
+ Không thông báo để xóa đăng ký hành nghề đối với công chứng viên không còn làm việc tại tổ chức mình;
+ Không lưu trữ hồ sơ công chứng;
+ Làm mất di chúc đã nhận lưu giữ, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng;
+ Làm mất hồ sơ công chứng, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng;
+ Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng, người môi giới.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động khi văn phòng công chứng được hợp nhất, nhận chuyển nhượng, nhận sáp nhập mà chưa được cấp, cấp lại, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không phải là tổ chức hành nghề công chứng mà hoạt động công chứng dưới bất kỳ hình thức nào;
+ Cho công chứng viên không đủ điều kiện hành nghề hoặc người không phải là công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP;
+ Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP;
+ Tịch thu tang vật là quyết định cho phép thành lập văn phòng công chứng, giấy đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP;
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2, các điểm a, c và đ khoản 4, khoản 6 Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP;
+ Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định 82/2020/NĐ-CP được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định 82/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
Võ Tấn Đại
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |