Sau đây là quy định về nội dung thi và đề thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Hướng dẫn về nội dung thi và đề thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (Hình từ Internet)
Theo Điều 22 Nghị định 96/2024/NĐ-CP thì nội dung thi và đề thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản như sau:
- Người dự thi sát hạch để được cấp chứng chỉ phải thi bắt buộc các nội dung sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 96/2024/NĐ-CP:
+ Phần kiến thức cơ sở, bao gồm: Pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản; pháp luật liên quan đến đất đai; pháp luật về đầu tư; pháp luật về dân sự liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản; pháp luật về công chứng liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản; pháp luật về doanh nghiệp liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản; pháp luật về thuế, phí trong giao dịch bất động sản; pháp luật về phòng chống rửa tiền trong kinh doanh bất động sản; pháp luật về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản; tổng quan chung về thị trường bất động sản; giá bất động sản và tư vấn giá bất động sản;
+ Phần kiến thức chuyên môn, bao gồm: Tổng quan về dịch vụ môi giới bất động sản; quy trình và kỹ năng môi giới bất động sản; giải quyết tình huống trên thực tế.
- Đối với thí sinh có chứng chỉ môi giới bất động sản do nước ngoài cấp còn hiệu lực thì chỉ phải thi phần kiến thức cơ sở, không phải thi phần kiến thức chuyên môn.
- Bộ đề thi phải phù hợp với nội dung của chương trình khung đào tạo bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản do Bộ Xây dựng ban hành.
- Bộ đề thi phải được quản lý theo chế độ tài liệu mật.
Theo Điều 19 Nghị định 96/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản như sau:
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch (viết tắt là kỳ thi) và cấp chứng chỉ.
- Cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nhận đơn đăng ký dự thi sát hạch của thí sinh (theo mẫu tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Nghị định 96/2024/NĐ-CP) và có văn bản đề nghị cho tham dự kỳ thi sát hạch gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào số lượng thí sinh đã đăng ký dự thi và tình hình thực tế để tổ chức kỳ thi.
- Mỗi năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức ít nhất 01 kỳ thi, tùy theo số lượng thí sinh đăng ký dự thi (một kỳ thi tối thiểu phải có 10 thí sinh).
Trường hợp không đủ thí sinh để tổ chức kỳ thi (dưới 10 thí sinh) và thí sinh đã nộp hồ sơ có nhu cầu dự thi tại Hội đồng thi của địa phương khác thì Ủy ban nhân dân tỉnh có công văn gửi thí sinh đó sang Ủy ban nhân dân của tỉnh, thành phố khác để dự thi.
- Trước ngày tổ chức kỳ thi ít nhất 30 ngày, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kế hoạch tổ chức kỳ thi, điều kiện, hồ sơ đăng ký dự thi, thời gian, địa điểm và các thông tin cần thiết khác có liên quan tới kỳ thi.
- Kinh phí dự thi:
+ Người dự thi phải nộp kinh phí dự thi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc theo thông báo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Mức kinh phí dự thi do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho từng kỳ thi tùy thuộc vào số thí sinh đăng ký dự thi để chi cho việc tổ chức kỳ thi, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thi;
+ Hội đồng thi được sử dụng kinh phí dự thi để chi cho các hoạt động về tổ chức kỳ thi, thù lao cho các thành viên của Hội đồng thi. Việc thanh quyết toán kinh phí dự thi phải được Chủ tịch Hội đồng thi phê duyệt.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |