Lập lý lịch tư pháp về án tích là nội dung được quy định tại Luật Lý lịch tư pháp 2009.
Hướng dẫn lập lý lịch tư pháp về án tích mới nhất (Hình ảnh từ Internet)
Theo Điều 26 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về việc lập lý lịch tư pháp về án tích như sau:
- Sở Tư pháp nơi người bị kết án thường trú lập lý lịch tư pháp của người đó; trường hợp không xác định được nơi thường trú thì Sở Tư pháp nơi người bị kết án tạm trú lập lý lịch tư pháp.
Lý lịch tư pháp được lập thành hai bản, một bản do Sở Tư pháp quản lý, một bản được chuyển đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
- Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia lập và lưu giữ lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:
+ Không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người bị kết án;
+ Người bị kết án được dẫn độ để thi hành án hoặc được chuyển giao để chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam;
+ Nhận được bản sao trích lục bản án hoặc trích lục án tích của công dân Việt Nam do Viện kiểm sát nhân dân tối cao cung cấp theo quy định tại Điều 17 Luật Lý lịch tư pháp 2009.
- Lý lịch tư pháp được lập trên cơ sở nguồn thông tin lý lịch tư pháp về án tích quy định tại Điều 15 Luật Lý lịch tư pháp 2009.
- Lý lịch tư pháp được lập riêng cho từng người bị kết án với các nội dung sau đây:
+ Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người đó;
+ Ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.
- Trường hợp một người bị kết án về nhiều tội và đã được tổng hợp hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự thì lý lịch tư pháp của người đó ghi rõ từng tội danh, điều khoản luật được áp dụng và hình phạt chung đối với các tội đó.
Tại Điều 28 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về việc cập nhật thông tin lý lịch tư pháp về án tích trong trường hợp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm như sau:
- Đối với quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì Sở Tư pháp ghi nội dung quyết định đó vào lý lịch tư pháp.
- Đối với quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì Sở Tư pháp cập nhật thông tin lý lịch tư pháp như sau:
+ Trường hợp lý lịch tư pháp chỉ được lập trên cơ sở bản án, quyết định bị huỷ thì lý lịch tư pháp được xóa bỏ trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp;
+ Trường hợp lý lịch tư pháp được lập trên cơ sở nhiều bản án, quyết định thì thông tin về bản án, quyết định bị huỷ trong lý lịch tư pháp được xóa bỏ.
Theo Điều 32 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định việc cập nhật thông tin lý lịch tư pháp trong trường hợp công dân Việt Nam bị Toà án nước ngoài kết án như sau:
- Trường hợp công dân Việt Nam đã có lý lịch tư pháp mà sau đó được dẫn độ để thi hành án hoặc được chuyển giao để chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia ghi vào lý lịch tư pháp của người đó theo nội dung của quyết định dẫn độ hoặc quyết định tiếp nhận chuyển giao.
- Trường hợp công dân Việt Nam đã có lý lịch tư pháp mà sau đó có trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người đó do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cập nhật thông tin theo quy định tại Điều 29 Luật Lý lịch tư pháp 2009.
- Trường hợp nhận được thông báo về quyết định miễn, giảm hình phạt, đặc xá, đại xá của nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị Toà án nước đó kết án đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia ghi vào lý lịch tư pháp của người đó theo quy định tại Điều 27 và khoản 2 Điều 30 Luật Lý lịch tư pháp 2009.
Tô Quốc Trình
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |