Cho tôi hỏi doanh nghiệp vi phạm quy định về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động bị xử phạt thế nào? - Ngọc Trang (Tiền Giang)
Doanh nghiệp vi phạm quy định về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động bị xử phạt thế nào? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 25 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động như sau:
(1) Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận với tổ chức hoạt động huấn luyện không huấn luyện mà nhận kết quả huấn luyện hoặc sử dụng người lao động không được cấp thẻ an toàn theo quy định của pháp luật làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trước khi bố trí làm công việc này theo một trong các mức sau đây:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người trở lên.
(2) Phạt tiền đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động có hành vi vi phạm các quy định về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo một trong các mức sau đây:
- Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: không báo cáo hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật; không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo chương trình khung cho người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động (nhóm 2), người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt (nhóm 3), người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: huấn luyện bắt buộc theo chương trình khung được pháp luật quy định nhưng không đủ nội dung; sử dụng người huấn luyện không đảm bảo tiêu chuẩn về người huấn luyện; không đảm bảo cơ sở vật chất để huấn luyện theo quy định; không có tài liệu huấn luyện cho các đối tượng;
- Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: cung cấp kết quả huấn luyện mà không thực hiện huấn luyện; cung cấp kết quả huấn luyện không đúng với nội dung đã huấn luyện;
- Từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng khi có một trong các hành vi: thực hiện hoạt động huấn luyện trong thời gian bị đình chỉ hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đã hết hiệu lực; thực hiện huấn luyện ngoài phạm vi quy định tại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với các nội dung bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động;
Không duy trì đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật; sửa chữa, làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; sửa chữa, làm sai lệch văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Giả mạo văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; giả mạo Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
(3) Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi tự tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động mà vi phạm quy định về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo một trong các mức sau đây:
- Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: không báo cáo hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật; không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo chương trình khung cho người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động (nhóm 2), người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt (nhóm 3), người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: huấn luyện bắt buộc theo chương trình khung được pháp luật quy định nhưng không đủ nội dung; sử dụng người huấn luyện không đảm bảo tiêu chuẩn về người huấn luyện; không đảm bảo cơ sở vật chất để huấn luyện theo quy định; không có tài liệu huấn luyện cho các đối tượng;
- Từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng khi có một trong các hành vi: cung cấp kết quả huấn luyện mà không thực hiện huấn luyện; cung cấp kết quả huấn luyện không đúng với nội dung đã huấn luyện;
- Từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khi có một trong các hành vi: thực hiện hoạt động huấn luyện thuộc trường hợp phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đã hết hiệu lực;
Thực hiện huấn luyện ngoài phạm vi quy định tại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với các nội dung bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; không duy trì đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật; sửa chữa, làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Sửa chữa, làm sai lệch văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Giả mạo văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; giả mạo Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
(4) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: thực hiện huấn luyện thuộc trường hợp phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; giả mạo Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
(5) Hình thức xử phạt bổ sung:
- Đình chỉ hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi có một trong các hành vi:
+ Cung cấp kết quả huấn luyện mà không thực hiện huấn luyện;
+ Cung cấp kết quả huấn luyện không đúng với nội dung đã huấn luyện;
+ Thực hiện huấn luyện ngoài phạm vi quy định tại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với các nội dung bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động;
+ Không duy trì đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 25 Nghị định 12/2022/NĐ-CP;
- Đình chỉ hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động tự tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi có một trong các hành vi:
+ Cung cấp kết quả huấn luyện mà không thực hiện huấn luyện;
+ Cung cấp kết quả huấn luyện không đúng với nội dung đã huấn luyện;
+ Thực hiện huấn luyện ngoài phạm vi quy định tại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với các nội dung bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động;
+ Không duy trì đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật quy định tại điểm c, d khoản 3 Điều 25 Nghị định 12/2022/NĐ-CP;
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động giả mạo đối với hành vi giả mạo Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại điểm d khoản 2, điểm d khoản 3, khoản 4 Điều 25 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
(6) Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hủy kết quả huấn luyện đã cung cấp khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 25 Nghị định 12/2022/NĐ-CP;
- Buộc người sử dụng lao động tự tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hủy kết quả huấn luyện đã cung cấp khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 3 Điều 25 Nghị định 12/2022/NĐ-CP;
- Buộc nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi có hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại điểm d khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 25 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
* Lưu ý: Mức phạt tại (1), (3) và (4) mục này áp dụng với cá nhân còn mức phạt tại (2) áp dụng với tổ chức (nếu cá nhân có hành vi vi phạm tại (2) thì mức phạt bằng ½) (Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Quy định về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
- Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh viên trong cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và được tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cấp giấy chứng nhận sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu.
Trường hợp có thay đổi về chính sách, pháp luật hoặc khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động thì phải được huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động.
- Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm công việc này.
- Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động phải được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và được cấp thẻ an toàn.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho người lao động quy định tại khoản này khi tham gia khóa huấn luyện. Mức, đối tượng và thời gian hỗ trợ do Chính phủ quy định chi tiết tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
- Người sử dụng lao động tự tổ chức huấn luyện và chịu trách nhiệm về chất lượng huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người học nghề, tập nghề, người thử việc trước khi tuyển dụng hoặc bố trí làm việc và định kỳ huấn luyện lại nhằm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, phù hợp với vị trí công việc được giao.
- Việc huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 phải phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng ngành nghề, vị trí công việc, quy mô lao động và không gây khó khăn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động chủ động tổ chức huấn luyện riêng về an toàn, vệ sinh lao động hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động với huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy hoặc nội dung huấn luyện khác được pháp luật chuyên ngành quy định.
- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi có ý kiến của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan.
- Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật đầu tư và Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Trường hợp doanh nghiệp tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì phải đáp ứng điều kiện hoạt động như đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |