Doanh nghiệp có bắt buộc phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động không?

Xin hỏi doanh nghiệp có bắt buộc phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động không? - Bích Chi (Hải Dương)

Doanh nghiệp có bắt buộc phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Doanh nghiệp có bắt buộc phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động không?

Theo Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 quy định về xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động như sau:

- Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

- Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

- Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

Như vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động để tuyển dụng lao động và thỏa thuận lương theo công việc với người lao động.

2. Khi xây dựng thang lương, bảng lương có cần trao đổi ý kiến với Công đoàn hay không?

Căn cứ vào quy định tại Điều 41 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định đối với vụ việc người sử dụng lao động phải tham khảo, trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về thang lương, bảng lương và định mức lao động được thực hiện như sau:

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo nội dung cần tham khảo, trao đổi ý kiến đến các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động;

- Các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến người lao động do mình đại diện và tổng hợp thành văn bản của từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động để gửi tới người sử dụng lao động; trường hợp nội dung đối thoại liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ thì cần bảo đảm lấy ý kiến của họ;

- Căn cứ ý kiến của các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động, người sử dụng lao động tổ chức đối thoại để thảo luận, trao đổi ý kiến, tham vấn, chia sẻ thông tin về những nội dung người sử dụng lao động đưa ra;

- Số lượng, thành phần tham gia, thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại do hai bên xác định theo quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

- Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của đại diện các bên tham gia đối thoại theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;

- Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.

Như vậy, xây dựng thang lương lương, bảng lương và định mức lao động phải tham khảo, trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (Công đoàn). 

3. Doanh nghiệp không xây dựng thang lương, bảng lương có bị phạt không?

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện : thang lương, bảng lương; mức lao động ; quy chế thưởng.

- Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức.

- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng.

- Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định.

- Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm việc có giá trị như nhau.

Như vậy, người sử dụng lao động không xây dựng thang lương, bảng lương sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 triệu đồng đến 10.000.000 triệu đồng.

Lưu ý: Mức phạt này là áp dụng với cá nhân còn trường hợp hợp tổ chức thì mức phạt sẽ gấp 2 lần.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

3685 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;