Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động là nội dung được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động (Hình ảnh từ Internet)

1. Tai nạn lao động là gì?

Căn cứ theo khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

2. Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động (giao kết bằng văn bản) có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân thuộc lực lượng công an, quân đội hoặc những người làm trong các tổ chức cơ yếu của chính phủ

- Quân nhân chuyên nghiệp của quân đội Nhân dân Việt Nam, sĩ quan, hạ sĩ quan….

- Những người phục vụ công an, quân đội có thời hạn, người làm các công tác cơ yếu và được hưởng lương như quân nhân.

- Học viên đang theo học tại các trường công an, quân đội

- Người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã và có hưởng tiền lương;

3. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Theo Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

+ Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

4. Quy định về giám định mức suy giảm khả năng lao động

Tại Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về giám định mức suy giảm khả năng lao động như sau:

- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Sau khi thương tật, bệnh tật đã được điều trị ổn định;

+ Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định.

- Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;

+ Bị tai nạn lao động nhiều lần;

+ Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

5. Quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi điều trị thương tật, bệnh tật cho người lao động

Tại Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi điều trị thương tật, bệnh tật như sau:

- Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.

- Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.

Tô Quốc Trình

192 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;