Cho tôi hỏi cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình phải đáp ứng các điều kiện như thế nào? - Anh Thư (Bình Dương)
Điều kiện của cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 4 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, các nguyên tắc phòng chống bạo lực gia đình bao gồm:
- Phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm.
- Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em;
Ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới.
- Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình.
- Hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì trong quá trình xử lý phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em.
- Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; chú trọng phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng.
- Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Điều kiện của cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình được quy định như sau:
- Người đứng đầu cơ sở:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ,
+ Có trình độ từ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo liên quan đến dịch vụ đăng ký tham gia cung cấp,
+ Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình;
- Nhân viên trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình:
+ Phải tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên,
+ Đã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức hoặc cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức;
- Trường hợp cơ sở cung cấp nơi tạm lánh cho người bị bạo lực gia đình hoặc cung cấp dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi phải có cơ sở vật chất và địa điểm bảo đảm yêu cầu.
Bên cạnh đó, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình đăng ký nội dung, phạm vi hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện dịch vụ, hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 được ưu đãi thuế, phí, tín dụng và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
(Khoản 2 Điều 40 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022)
Theo khoản 1 Điều 40 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để cung cấp một hoặc một số dịch vụ, hoạt động sau đây:
- Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình;
- Nơi tạm lánh và nhu cầu thiết yếu khác cho người bị bạo lực gia đình;
- Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;
- Chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh lý về tâm thần cho người bị bạo lực gia đình;
- Hoạt động khác liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
Nguyễn Thị Hoài Thương
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |