Cho tôi hỏi hiện nay cơ cấu thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam được quy định như thế nào? - Hồng Phúc (Thanh Hoá)
Cơ cấu thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam mới nhất (Hình ảnh từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 47 Luật Chứng khoán 2019 quy định về thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam như sau:
* Thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam bao gồm:
- Thành viên giao dịch là công ty chứng khoán được Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên giao dịch;
- Thành viên giao dịch đặc biệt là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên giao dịch đặc biệt.
* Thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có các quyền sau đây:
- Sử dụng hệ thống giao dịch chứng khoán và các dịch vụ do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con cung cấp;
- Nhận các thông tin về thị trường giao dịch chứng khoán từ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con;
- Đề nghị Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam làm trung gian hòa giải khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán của thành viên giao dịch;
- Đề xuất và kiến nghị các vấn đề liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con;
- Quyền khác theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
* Thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:
- Chịu sự giám sát của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con đối với hoạt động giao dịch chứng khoán và hoạt động công bố thông tin theo quy định tại quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam;
- Công bố thông tin theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam;
- Hỗ trợ các thành viên giao dịch khác theo yêu cầu của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong trường hợp cần thiết;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Căn cứ theo Điều 97 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định điều kiện trở thành thành viên giao dịch như sau:
- Công ty chứng khoán là thành viên bù trừ hoặc thành viên lưu ký có hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ chung; trường hợp đăng ký trở thành thành viên giao dịch công cụ nợ, công ty chứng khoán là thành viên lưu ký và được cấp phép thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Chứng khoán 2019.
- Đáp ứng yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin, quy trình nghiệp vụ và nhân sự theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán.
- Không trong tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt theo quy định pháp luật.
Theo Điều 99 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì điều kiện trở thành thành viên giao dịch đặc biệt, Kho bạc Nhà nước tham gia giao dịch công cụ nợ như sau:
* Điều kiện trở thành thành viên giao dịch đặc biệt bao gồm:
- Là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định và không trong tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng;
- Là thành viên lưu ký hoặc tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
- Đáp ứng yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin, quy trình nghiệp vụ và nhân sự cho hoạt động giao dịch công cụ nợ theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán.
* Điều kiện Kho bạc Nhà nước tham gia giao dịch công cụ nợ bao gồm:
- Là tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
- Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 99 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
- Thành viên giao dịch đặc biệt, Kho bạc Nhà nước chỉ được phép thực hiện giao dịch công cụ nợ cho chính mình.
Tô Quốc Trình
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |