Theo quy định hiện nay thì các trường hợp nào phải khảo nghiệm và kiểm định giống thủy sản? - Thúy Phượng (Long An)
Các trường hợp phải khảo nghiệm và kiểm định giống thủy sản (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Các trường hợp phải khảo nghiệm giống thủy sản theo khoản 1 Điều 28 Luật Thủy sản 2017 gồm:
- Giống thủy sản lần đầu được tạo ra trong nước thông qua việc chọn, lai, thụ tinh hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật khác, trừ giống thủy sản được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
- Giống thủy sản nhập khẩu để đưa vào sản xuất, kinh doanh chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Theo khoản 1 Điều 29 Luật Thủy sản 2017 thì các trường hợp phải kiểm định giống thủy sản gồm:
- Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo.
Cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản theo khoản 2 và khoản 3 Điều 28 Luật Thủy sản 2017 như sau:
- Cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Có ít nhất hai nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;
+ Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với loài thủy sản khảo nghiệm;
+ Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.
- Cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản có quyền và nghĩa vụ sau đây:
+ Được tham gia vào hoạt động khảo nghiệm giống thủy sản theo quy định của pháp luật;
+ Được thanh toán chi phí khảo nghiệm theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khảo nghiệm;
+ Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả khảo nghiệm giống thủy sản cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
+ Chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm;
+ Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình khảo nghiệm;
+ Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Cơ sở kiểm định giống thủy sản theo khoản 3 Điều 29 Luật Thủy sản 2017 thì cơ sở thực hiện việc kiểm định giống thủy sản có quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Được tham gia vào hoạt động kiểm định giống thủy sản theo quy định của pháp luật;
- Được thanh toán chi phí kiểm định theo quy định;
- Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả kiểm định giống thủy sản cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
- Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định;
- Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm định.
Theo Điều 7 Luật Thủy sản 2017 thì các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản bao gồm:
- Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.
- Cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của loài thủy sản.
- Lấn, chiếm, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển.
- Khai thác, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình và hoạt động khác ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn lợi thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển.
- Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác hoạt động trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển, trừ trường hợp bất khả kháng.
- Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (sau đây gọi là khai thác thủy sản bất hợp pháp); mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sơ chế, chế biến thủy sản từ khai thác thủy sản bất hợp pháp, thủy sản có tạp chất nhằm mục đích gian lận thương mại.
- Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.
- Sử dụng ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân đang khai thác; thả neo, đậu tàu tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân đang khai thác hoặc nơi tàu cá khác đang khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng.
- Vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên, trừ trường hợp bất khả kháng.
- Đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích gian lận thương mại.
- Sử dụng kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
Sử dụng giống thủy sản nằm ngoài Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để nuôi trồng thủy sản.
- Phá hủy, tháo dỡ gây hư hại, lấn chiếm phạm vi công trình của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; xả chất thải không đúng nơi quy định trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
- Lợi dụng việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, khai thác thông tin, sử dụng thông tin dữ liệu về nguồn lợi thủy sản trái quy định của pháp luật.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |