Các trường hợp giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Các trường hợp giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc
Tran Thanh Rin

Xin cho tôi hỏi thế nào là tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc? Khi nào sẽ giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc? – Minh Phúc (Gia Lai)

Các trường hợp giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Các trường hợp giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Thế nào là tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc?

- Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.

- Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo.

(Khoản 12, 13 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016)

2. Các trường hợp giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Theo khoản 1 Điều 31 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc giải thể trong trường hợp sau đây:

(1) Theo quy định của hiến chương;

(2) Không hoạt động tôn giáo trong thời gian 01 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc chấp thuận việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; ngừng hoạt động tôn giáo trong thời gian 01 năm liên tục;

(3) Hết thời hạn bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.

3. Ai có thẩm quyền giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Cụ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo có quyền giải thể tổ chức tôn giáo.

Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có quyền giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có quyền giải thể hoặc yêu cầu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc trong các trường hợp quy định tại (1) và (2).

Điều 29. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc

...

3. Thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

(Khoản 2 Điều 31 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016)

4. Quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có các quyền như sau:

- Hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ và văn bản có nội dung tương tự (sau đây gọi chung là hiến chương) của tổ chức tôn giáo.

- Tổ chức sinh hoạt tôn giáo.

- Xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tôn giáo.

- Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo.

- Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo.

- Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho.

- Các quyền khác theo quy định Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016)

407 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;