Các công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên

Các công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi các công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên được quy định thế nào? - Bảo Châu (Đồng Nai)

Các công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên

Các công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Các công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên

Theo Điều 21 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 thì công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên bao gồm:

- Tiếp nhận đơn và tài liệu kèm theo do Tòa án chuyển đến;

- Vào sổ theo dõi vụ việc;

- Nghiên cứu đơn và tài liệu kèm theo do Tòa án chuyển đến;

- Xác định tư cách của các bên, người đại diện, người phiên dịch trong vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; thông báo cho họ biết về việc hòa giải, đối thoại;

- Yêu cầu các bên bổ sung thông tin, tài liệu, chứng cứ; đề xuất phương án, giải pháp để giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính;

- Xây dựng phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại;

- Mời người có uy tín có khả năng tác động đến mỗi bên tham gia hòa giải, đối thoại để hỗ trợ cho; việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

- Nghiên cứu quy định của pháp luật có liên quan, tìm hiểu phong tục, tập quán và hoàn cảnh của các bên để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

- Tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

- Các nội dung khác cần thiết cho việc hòa giải, đối thoại.

2. Quy định về từ chối hòa giải, đối thoại, thay đổi Hòa giải viên

Quy định về từ chối hòa giải, đối thoại, thay đổi Hòa giải viên theo Điều 18 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 như sau:

- Hòa giải viên phải từ chối khi được lựa chọn, chỉ định hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại;

+ Có căn cứ rõ ràng cho rằng Hòa giải viên có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ;

+ Các bên thay đổi Hòa giải viên đã được chỉ định và thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên khác;

+ Không thể tiến hành hòa giải, đối thoại vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

+ Bị miễn nhiệm hoặc bị buộc thôi làm Hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.

- Hòa giải viên từ chối hòa giải, đối thoại quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 18 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 phải thông báo lý do cho các bên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.

Các bên đề nghị thay đổi Hòa giải viên phải thông báo lý do cho Hòa giải viên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Hòa giải viên từ chối hòa giải, đối thoại hoặc bị đề nghị thay đổi mà các bên không thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên thì Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên khác để tiến hành hòa giải, đối thoại và thông báo cho Hòa giải viên, các bên biết.

Trường hợp các bên lựa chọn Hòa giải viên khác thì Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên theo sự lựa chọn của các bên và thông báo cho Hòa giải viên, các bên biết.

Trường hợp Thẩm phán chỉ định Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác thì phải thông báo cho Tòa án đó biết.

3. Phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Điều 22 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 như sau:

- Hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành trong một hoặc nhiều phiên.

- Việc hòa giải, đối thoại được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án theo lựa chọn của các bên.

- Phiên hòa giải, đối thoại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác theo đề nghị của các bên.

- Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại có mặt các bên hoặc gặp riêng từng bên; yêu cầu mỗi bên trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; đề xuất phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại.

Trường hợp một trong các bên có người đại diện, người phiên dịch thì Hòa giải viên phải mời họ cùng tham gia hòa giải, đối thoại.

 

132 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;