Bỏ phụ cấp khi cải cách tiền lương có làm giảm lương cán bộ, công chức không?

Xin cho tôi hỏi bỏ phụ cấp khi cải cách tiền lương có làm giảm lương cán bộ, công chức không? - Minh Hằng (Khánh Hòa)

Bỏ phụ cấp khi cải cách tiền lương có làm giảm lương cán bộ, công chức không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. 05 khoản phụ cấp bị bãi bỏ đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện cải cách tiền lương

Tại điểm d khoản 3.1 tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định về việc sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành trong đó bãi bỏ 05 khoản phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện cải cách tiền lương gồm:

(1) Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức);

(2) Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ);

(3) Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội;

(4) Phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản);

(5) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Như vậy, khi thực hiện cải cách tiền lương, các khoản phụ cấp bị cắt bỏ đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo bao gồm: Phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ; phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

2. Bỏ phụ cấp khi cải cách tiền lương có làm giảm lương cán bộ, công chức không?

Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 nêu rõ nội dung cải cách tiền lương sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Ngoài ra, theo Điểm d Khoản 3.1 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, bên cạnh cắt bỏ phụ cấp, chính sách cải cách tiền lương cũng thực hiện gộp phụ cấp cũng như tiếp tục áp dụng một số khoản phụ cấp khác.

Có thể hiểu, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ không loại bỏ hoàn toàn các khoản phụ cấp. Thay vào đó sẽ tiến hành điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương.

Đồng thời, tại điểm b khoản khoản 3.1 tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định: 

Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Theo đó, xây dựng bản lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:

+ Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc: 

(1) Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới; 

(2) Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp. Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

+ Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc: 

Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; 

Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; 

Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. 

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

Như vậy, việc cắt bỏ một số phụ cấp khi cải cách tiền lương sẽ không làm giảm lương. Đây chỉ là một trong những nội dung để thực hiện điều chỉnh quỹ phụ cấp cho phù hợp theo cơ cấu lương mới.

3. Dự kiến thời điểm thực hiện cải cách tiền lương?

Dự kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV vào tháng 10/2023, Chính phủ sẽ trình lộ trình và phương án cải cách tiền lương lên Quốc hội.

Mới đây, phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024. Đây cũng là một cú hích cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa.

"Đây là cải cách chứ không phải tăng lương bình thường. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm chúng ta có thể áp dụng là từ 1-7-2024".

Nguyễn Ngọc Quế Anh

1890 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;