09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

Xin hỏi có những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nào? Một tài sản có thể dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ không? - Thanh Phương (Long An)

09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

Theo Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

- Cầm cố tài sản.

- Thế chấp tài sản.

- Đặt cọc.

- Ký cược.

- Ký quỹ.

- Bảo lưu quyền sở hữu.

- Bảo lãnh.

- Tín chấp.

- Cầm giữ tài sản.

2. Một tài sản có thể dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ không?

- Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.

- Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác.

Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.

Như vậy, một tài sản có thể dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ tuy nhiên phải đáp ứng các yêu cầu nêu trên. 

(Điều 296 Bộ luật Dân sự năm 2015)

3. Tài sản bảo đảm được quy định như thế nào?

- Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.

- Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.

- Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

- Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

(Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015)

4. Phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm

Theo Điều 293 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm như sau:

- Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại.

- Nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.

- Trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

5. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai

Căn cứ Điều 294 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai như sau:

- Trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai, các bên có quyền thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

>> CLICK HERE TO READ THIS ARTICLE IN VIETNAMESE

2210 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;