05 tiêu chí phân công Thẩm phán giải quyết án

05 tiêu chí phân công Thẩm phán giải quyết án
Tran Thanh Rin

Xin cho tôi hỏi để tiến hành phân công Thẩm phán giải quyết án thì phải dựa vào các tiêu chí như thế nào? - Quang Anh (Quảng Ngãi)

05 tiêu chí phân công Thẩm phán giải quyết án

05 tiêu chí phân công Thẩm phán giải quyết án (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc phân công Thẩm phán giải quyết án

Việc phân công giải quyết án phải đảm bảo các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Thông tư 01/2022/TT-TANDTC, cụ thể như sau:

- Vô tư, khách quan, ngẫu nhiên.

- Công bằng, dân chủ, công khai, hợp lý và kịp thời.

- Bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử.

2. Tiêu chí phân công Thẩm phán giải quyết án

Theo Điều 4 Thông tư 01/2022/TT-TANDTC, việc phân công Thẩm phán giải quyết án phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

(1) Số lượng, tính chất phức tạp của vụ việc được phân công cho các Thẩm phán giải quyết trong 01 năm tại mỗi Tòa án là tương đương nhau.

(2) Phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm xét xử, giải quyết loại vụ việc đó. Đối với vụ việc có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên thì phân công Thẩm phán là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.

(3) Phù hợp với vị trí công tác, chức vụ Thẩm phán đang đảm nhiệm.

(4) Thẩm phán trong Tổ Thẩm phán chuyên trách; Thẩm phán trong Tòa chuyên trách thuộc lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên phân công giải quyết vụ việc thuộc lĩnh vực đó.

(5) Thẩm phán giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Tòa án nhân dân cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện được phân công giải quyết án theo chỉ tiêu do Tòa án nhân dân tối cao quy định.

Thẩm phán nữ trong thời gian 03 tháng trước khi nghỉ chế độ thai sản và 03 tháng sau khi hết thời gian nghỉ chế độ thai sản được phân công giải quyết án với chỉ tiêu tối đa bằng 50% so với Thẩm phán khác.

3. Các phương thức phân công Thẩm phán giải quyết án

Cụ thể tại Điều 6 Thông tư 01/2022/TT-TANDTC, các phương thức phân công Thẩm phán giải quyết án được quy định như sau:

- Phương thức phân công giải quyết án gồm phân công giải quyết án chỉ định và phân công giải quyết án ngẫu nhiên.

- Phương thức phân công giải quyết án chỉ định được áp dụng đối với các vụ việc hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư 01/2022/TT-TANDTC.

- Phương thức phân công giải quyết án ngẫu nhiên được áp dụng đối với các vụ việc hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư 01/2022/TT-TANDTC.

- Chánh án Tòa án có thể ủy quyền việc phân công giải quyết án cho Phó Chánh án Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng nhưng Chánh án Tòa án có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phân công giải quyết án tại Tòa án mình.

4. Những trường hợp Thẩm phán không được phân công giải quyết án

Tại thời điểm phân công giải quyết án, Thẩm phán thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2022/TT-TANDTC sẽ không được phân công giải quyết án:

- Thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc thay đổi theo quy định của pháp luật tố tụng đối với vụ việc đó.

- Đang trong thời gian được cử đi biệt phái, công tác, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn có thời hạn từ 01 tháng liên tục trở lên.

- Đang trong thời gian nghỉ phép, nghỉ chế độ thai sản, nghỉ điều trị bệnh hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ.

- Đang trong thời gian bị kỷ luật, chờ xem xét kỷ luật hoặc thuộc trường hợp bị tạm dừng phân công giải quyết án theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

- Trường hợp khác mà Thẩm phán không thể thực hiện được nhiệm vụ giải quyết, xét xử vụ việc.

1180 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;