04 trường hợp Cảnh sát biển Việt Nam được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển

04 trường hợp Cảnh sát biển Việt Nam được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển
Tran Thanh Rin

Xin cho tôi hỏi Cảnh sát biển Việt Nam được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp nào? – Hoài Việt (Khánh Hòa)

04 trường hợp Cảnh sát biển Việt Nam được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển

04 trường hợp Cảnh sát biển Việt Nam được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam;

Quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

(Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018)

2. 04 trường hợp Cảnh sát biển Việt Nam được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển

Theo khoản 1 Điều 17 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp sau đây:

(1) Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia;

(2) Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018;

Cụ thể trong các trường hợp sau đây:

- Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;

- Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;

- Có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật;

- Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật;

- Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.

(3) Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi;    

(4) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

3. Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam

Cụ thể tại Điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 quy định về các quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam như sau:

- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018.

- Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.

- Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.

- Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp.

- Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.

- Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.

- Áp dụng biện pháp công tác theo quy định tại Điều 12 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018.

4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam

Cảnh sát biển Việt Nam được tổ chức và hoạt động dựa trên các nguyên tắc sau đây:

- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đến đơn vị cấp cơ sở.

- Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

- Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển.

- Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.

(Điều 4 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018)

2216 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;