Chính sách thuế liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu

Cho tôi hỏi hiện nay, khi chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu thì phải đóng những loại thuế nào? - Khánh Huyền (Hà Nội)

Chính sách thuế liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu

Chính sách thuế liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (Hình từ Internet)

Cục thuế TP. Hà Nội có Công văn 51874/CTHN-TTHT ngày 27/10/2022 giải đáp về chính sách thuế liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu.

1. Quy định về chính sách thuế liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu

1.1 Về thuế TNDN

Căn cứ khoản 3 Điều 7, điểm a khoản 2 Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC thì:

- Thu nhập từ tiền bản quyền là khoản thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào được trả cho quyền sử dụng, chuyển quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm (bao gồm: các khoản tiền trả cho quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp: chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm).

- Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với thu nhập bản quyền là 10%.

* Các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN

Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC), doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

- Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

(Khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC)

* Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN

Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại khoản 2.37 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC) bao gồm:

- Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn thuế;

- Thuế giá trị gia tăng đầu vào của tài sản cố định là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vượt mức quy định được khấu trừ theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng;

- Thuế thu nhập doanh nghiệp trừ trường hợp doanh nghiệp nộp thay thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu nước ngoài mà theo thỏa thuận tại hợp đồng nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài, doanh thu nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Thuế thu nhập cá nhân trừ trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động quy định tiền lương, tiền công trả cho người lao động không bao gồm thuế thu nhập cá nhân.

1.2 Về thuế GTGT

- Khoản 1 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 151/2014/TT-BTC, Thông tư 26/2015/TT-BTC) quy định nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau:

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.

- Các điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC, Thông tư 173/2016/TT-BTC), trong đó có điều kiện sau:

Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

Ngoài ra, Công văn 51874/CTHN-TTHT cũng căn cứ Công văn 15888/BTC-CST ngày 07/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chính sách thuế nhà thầu đối với hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu.

2. Giải đáp về chính sách thuế liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu

Căn cứ các quy định trên, trường hợp doanh nghiệp trả tiền cho doanh nghiệp nước ngoài để sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam (đã đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam) thì chính sách thuế liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu như sau:

2.1 Chính sách thuế đối với nhà thầu nước ngoài

* Về thuế TNDN

Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài có phát sinh khoản thu nhập được trả cho quyền sử dụng nhãn hiệu mà phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì khoản thu nhập này thuộc đối tượng chịu thuế TNDN và tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là 10%.

* Về thuế GTGT

Căn cứ quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTCThông tư 103/2014/TT-BTC, trường hợp doanh nghiệp nước ngoài nhận tiền từ hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu mà phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì phải chịu thuế GTGT và thuế suất thuế GTGT là 10% (nếu áp dụng theo phương pháp khấu trừ) hoặc tỷ lệ (%) thuế GTGT tính trên doanh thu tính thuế là 5% (nếu áp dụng theo phương pháp trực tiếp).

2.2 Khoản chi phí sử dụng để trả phí nhãn hiệu

Trường hợp công ty nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu từ doanh nghiệp nước ngoài đã kê khai, khấu trừ nộp thuế nhà thầu đúng quy định thì:

- Đối với khoản tiền sử dụng để trả phí nhãn hiệu: 

Công ty được hạch toán vào chi phí được trừ nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC).

- Đối với số tiền thuế TNDN nộp thay nhà thầu nước ngoài: 

Công ty thực hiện theo quy định tại khoản 2.37 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC).

- Đối với số tiền thuế GTGT nộp thay nhà thầu nước ngoài: 

Công ty thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Xem chi tiết tại Công văn 51874/CTHN-TTHT ngày 27/10/2022.

Văn Trọng

2587 lượt xem
  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;