Nhiều vướng mắc về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN đã được Ngân hàng Nhà nước giải đáp.
Ngân hàng Nhà nước giải đáp vướng mắc về hỗ trợ lãi suất 2% (Hình từ internet)
Hỏi: Trường hợp khách hàng có khoản vay khác bị quá hạn, nhóm nợ CIC của khách hàng không phải là nhóm 1 thì khách hàng có được tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho khoản vay đang được hỗ trợ lãi suất không?
Trả lời: Tại thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ lãi, khoản vay đang được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN không có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả, đáp ứng các nguyên tắc, điều kiện được hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng thương mại vẫn hỗ trợ lãi suất cho toàn bộ kỳ thu lãi đó (không phụ thuộc vào tình trạng khoản vay khác và nhóm nợ CIC của khách hàng).
Hỏi: Khoản vay mới chỉ quá hạn nợ gốc dưới 10 ngày, chưa chuyển nhóm nợ 2, vẫn trả đủ lãi vay đúng ngày thì có được hỗ trợ lãi suất hay không?
Trả lời: Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 31/2022/NĐ-CP, khoản vay có số dư nợ gốc quá hạn/lãi chậm trả (bao gồm cả trường hợp quá hạn/chậm trả dưới 10 ngày) không được hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ nằm trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn.
Hỏi: Điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 31/2022/NĐ-CP: Khoản vay chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi tiếp theo sau khi khách hàng đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.
Kỳ trả nợ lãi tiếp theo được hiểu là kỳ trả nợ sau kỳ quá hạn hay kỳ trả nợ sau kỳ có ngày khách hàng trả nợ cho khoản nợ bị quá hạn? Ví dụ: khoản vay giải ngân ngày 15/3/2022, trả lãi ngày 26 hàng tháng.
Ngày 26/5 chậm trả lãi của kỳ 26/4-26/5, đến ngày 8/6 trả được lãi của kỳ 26/4-26/5. Đến ngày 26/6 và các kỳ sau, khách hàng trả nợ bình thường. Vậy khách hàng được hỗ trợ lãi suất từ kỳ trả lãi 26/5-26/6 (thời điểm trả nợ 26/6) hay từ kỳ trả lãi 26/6-26/7 (thời điểm trả nợ 26/7)?
Trả lời: “Kỳ trả nợ lãi tiếp theo” là kỳ trả nợ liền sau kỳ mà thời điểm trả nợ lãi của kỳ này có số dư nợ gốc quá hạn và/hoặc lãi chậm trả. Tại ví dụ này, ngày 26/5 khách hàng chậm trả lãi kỳ 26/4-26/5 nên không được hỗ trợ lãi suất. Ngày 26/6, khoản vay không còn số dư gốc/lãi chậm trả. Như vậy “kỳ trả nợ lãi tiếp theo” trong ví dụ này là kỳ 26/5-26/6 (kỳ tiếp theo của kỳ 26/4-26/5) và khách hàng được hỗ trợ lãi suất tại thời điểm trả nợ 26/6 (kỳ 26/5-26/6).
Hỏi: Trường hợp khách hàng vay theo hạn mức, chỉ 1 khoản giải ngân trong hạn mức được gia hạn nợ thì việc dừng HTLS chỉ áp dụng đối với khoản vay có khoản giải ngân trong hạn mức được gia hạn nợ hay áp dụng với toàn bộ các khoản vay được giải ngân trong hạn mức.
Trả lời: Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định 31/2022/NĐ-CP, khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ.
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 27 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, đối với cho vay theo hạn mức, TCTD xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định; trong hạn mức cho vay, TCTD thực hiện cho vay từng lần và thực hiện ký kết thỏa thuận cho vay.
Như vậy, 01 khoản vay trong hạn mức được gia hạn nợ thì không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ. Các khoản vay khác trong hạn mức không gia hạn nợ thì vẫn được hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Ví dụ: NHTM và khách hàng ký hợp đồng hạn mức 200 tỷ; căn cứ hợp đồng hạn mức này, NHTM và khách hàng ký 02 thỏa thuận cho vay cụ thể được hỗ trợ lãi suất (khoản vay thứ nhất 150 tỷ giải ngân ngày 01/02/2023, thời hạn cho vay 6 tháng đến 01/08/2023; khoản vay thứ hai 50 tỷ giải ngân ngày 01/6/2023, thời hạn cho vay 6 tháng đến 01/12/2023).
Trong tháng 6/2023, khoản vay thứ nhất được chấp thuận gia hạn thời hạn trả nợ thêm 2 tháng, đến 01/10/2023.
Châu Thanh
- Key word:
- hỗ trợ lãi suất cho vay