Xin cho tôi hỏi hoạt động kiểm toán nội nội tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam phải đảm bảo các yêu cầu gì? - Thế Vinh (Gia Lai)
Các yêu cầu trong hoạt động kiểm toán nội bộ tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam (Hình từ Internet)
1. Hoạt động kiểm toán nội bộ là gì?
Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 06/2020/TT-NHNN, hoạt động kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, xác nhận của Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước về mức độ phù hợp và tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ; mức độ trung thực, hợp lý của các thông tin tài chính, thông tin quản lý và tính tuân thủ, hiệu quả hoạt động của đơn vị được kiểm toán, từ đó kiến nghị các biện pháp khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm hoặc đưa ra ý kiến tư vấn nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, giúp đơn vị hoạt động an toàn, đúng pháp luật và đạt được các mục tiêu đã đề ra.
2. Các yêu cầu trong hoạt động kiểm toán nội bộ tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Cụ thể tại Điều 15 Thông tư 06/2020/TT-NHNN quy định về các yêu cầu trong hoạt động kiểm toán nội bộ NHNN Việt Nam như sau:
- Không chịu sự can thiệp trong việc xác định phạm vi kiểm toán, thực hiện công việc và trao đổi kết quả kiểm toán cũng như không bị giới hạn trong việc tiếp cận thông tin, tài liệu kiểm toán.
- Kiểm soát viên ngân hàng, người làm công tác kiểm toán nội bộ khi thực hiện kiểm toán phải có thái độ khách quan, công bằng, không định kiến và tránh mọi xung đột về lợi ích với đơn vị được kiểm toán, thành thạo chuyên môn và thận trọng nghề nghiệp.
Kiểm soát viên ngân hàng, người làm công tác kiểm toán nội bộ có quyền và nghĩa vụ báo cáo những vấn đề có thể ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của mình trước và trong khi thực hiện kiểm toán tại đơn vị với người có thẩm quyền theo quy định tại Quy chế kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước.
- Không bố trí kiểm soát viên ngân hàng, người làm công tác kiểm toán nội bộ thực hiện kiểm toán đối với:
+ Các hoạt động hoặc các đơn vị mà mình là người chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động hoặc quản lý trong vòng 03 (ba) năm gần nhất.
+ Các quy định, quy trình, thủ tục mà mình là người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng quy định, quy trình, thủ tục đó.
+ Đơn vị mà mình có người thân là Thủ trưởng, kế toán trưởng (hoặc Trưởng phòng kế toán), Trưởng phòng/Bộ phận kiểm soát nội bộ, người làm công tác kiểm soát nội bộ chuyên trách của đơn vị đó.
3. Nguyên tắc hoạt động kiểm toán nội bộ tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Hoạt động kiểm toán nội bộ Ngân hàng nhà nước Việt Nam được tiến hành trên các nguyên tắc theo quy định tại Điều 14 Thông tư 06/2020/TT-NHNN, cụ thể như sau:
- Bảo đảm tính độc lập, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch.
- Tuân thủ pháp luật, quy định, quy trình nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước; chấp hành chương trình, kế hoạch kiểm toán được Thống đốc phê duyệt.
- Không can thiệp hoặc làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán; bảo vệ bí mật nhà nước và bí mật của đơn vị được kiểm toán.
- Thống đốc là người quyết định cuối cùng về các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước.
4. Quy định về quản lý, chỉ đạo hoạt động kiểm toán nội bộ tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Thống đốc trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra hoạt động kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước, bao gồm:
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc ủy quyền ban hành các văn bản, quy chế, quy trình về kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước.
- Phê duyệt kế hoạch kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước hằng năm và đột xuất.
- Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm kiểm soát viên ngân hàng.
- Thực hiện các biện pháp cần thiết trong việc quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm đề ra biện pháp kịp thời để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về hoạt động kiểm toán nội bộ; chỉ đạo việc giám sát, đánh giá hoạt động kiểm toán nội bộ để đảm bảo mục tiêu và hiệu quả hoạt động kiểm toán nội bộ.
- Đảm bảo đầy đủ các nguồn lực cần thiết cho hoạt động kiểm toán nội bộ; quyết định các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người làm công tác kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước.
- Chỉ đạo xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước.
(Điều 18 Thông tư 06/2020/TT-NHNN)
Thanh Rin
- Key word:
- kiểm toán nội bộ
- hoạt động kiểm toán nội bộ