Quỹ tín dụng nhân dân là gì? Quy định nội bộ về quản lý tỷ lệ an toàn vốn của quỹ tín dụng nhân dân thế nào? - Quốc Tùng (Tiền Giang)
Quy định nội bộ về quản lý tỷ lệ an toàn vốn của quỹ tín dụng nhân dân (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
1. Thế nào là quỹ tín dụng nhân dân?
Theo khoản 6 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
2. Quy định nội bộ về quản lý tỷ lệ an toàn vốn của quỹ tín dụng nhân dân
Quy định nội bộ về quản lý tỷ lệ an toàn vốn của quỹ tín dụng nhân dân theo Điều 4 Thông tư 32/2015/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 21/2019/TT-NHNN) như sau:
(1) Quỹ tín dụng nhân dân phải có quy định nội bộ về quản lý tỷ lệ an toàn vốn, quản lý thanh khoản (tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn), cho vay, quản lý tiền vay theo quy định tại Thông tư 32/2015/TT-NHNN và các văn bản có liên quan.
Các văn bản quy định nội bộ và các văn bản sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ phải do Hội đồng quản trị quỹ tín dụng nhân dân ban hành hoặc phê duyệt.
(2) Quy định nội bộ về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Quy trình, phương pháp theo dõi tỷ lệ an toàn vốn;
- Phương pháp cảnh báo sớm các nguy cơ làm giảm tỷ lệ an toàn vốn;
- Phương án xử lý khi tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn mức tối thiểu, ít nhất gồm: các biện pháp tăng tỷ lệ an toàn vốn; trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các bộ phận, cá nhân trong việc thực hiện phương án xử lý.
(3) Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản tối thiểu gồm các nội dung sau:
- Quy định về việc phân cấp, ủy quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cá nhân, bộ phận liên quan trong việc theo dõi và thực hiện các biện pháp để đảm bảo duy trì tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;
- Quy trình, thủ tục, các giới hạn quản lý thanh khoản và phương án dự phòng để đảm bảo duy trì tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo quy định tại Thông tư 32/2015/TT-NHNN;
- Các quy định về quản lý ngân quỹ, thu, chi, nguồn vốn hằng ngày.
(4) Quy định nội bộ về quản lý hoạt động cho vay, quản lý tiền vay tối thiểu bao gồm các nội dung sau:
- Tiêu chí xác định khách hàng, người có liên quan với khách hàng tối thiểu phải có các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 32/2015/TT-NHNN;
- Các giới hạn cho vay áp dụng đối với khách hàng, khách hàng và người có liên quan, cơ chế, nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cho vay đối với khách hàng, khách hàng và người có liên quan;
- Giới hạn cho vay tối đa trong tổng dư nợ cho vay đối với từng loại khách hàng là thành viên, khách hàng không phải là thành viên và khách hàng là hộ nghèo của quỹ tín dụng nhân dân;
- Quy trình theo dõi đối với các khoản cho vay vượt quá 5% vốn tự có của quỹ tín dụng nhân dân;
- Quy định về việc báo cáo các khoản cho vay đối với các đối tượng là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quỹ tín dụng nhân dân.
(5) Định kỳ ít nhất 01 (một) năm một lần và khi cần thiết, quỹ tín dụng nhân dân phải rà soát, đánh giá lại, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.
(6) Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định nội bộ, quỹ tín dụng nhân dân gửi (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố một bộ hồ sơ bao gồm:
- Văn bản báo cáo việc ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ. Trường hợp sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ, nêu rõ những nội dung sửa đổi, bổ sung;
- Quy định nội bộ đối với trường hợp ban hành mới; các văn bản sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung.
(7) Trường hợp các văn bản, quy định nội bộ có nội dung không phù hợp với quy định tại Thông tư 32/2015/TT-NHNN và các quy định pháp luật có liên quan, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố yêu cầu quỹ tín dụng nhân dân sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Quốc Đạt
- Key word:
- quỹ tín dụng nhân dân