Khi thử việc, NLĐ cần lưu ý điều gì?

Hiện nay, các doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự thường yêu cầu NLĐ thử việc trong vòng vài tháng. Vậy thử việc là gì? NLĐ khi giao kết hợp đồng thử việc cần lưu ý những điều gì?

Khi thử việc, NLĐ cần lưu ý điều gì? (Ảnh minh họa)

1. Hình thức thỏa thuận về thử việc trong hợp đồng

Theo khoản 1, khoản 4 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, nội dung về thử việc có thể thỏa thuận theo các hình thức sau đây:

- Thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động;

- Giao kết hợp đồng thử việc.

Tuy nhiên, không áp dụng thử việc đối với NLĐ giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

2. Nội dung của hợp đồng thử việc

Căn cứ Điều 21, khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, nội dung của hợp đồng thử việc bao gồm các nội dung sau:

- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ CCCD/CMND hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía NLĐ;

- Công việc và địa điểm làm việc;

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

3. 04 mốc thời gian thử việc cần lưu ý

Theo Điều 25 Bộ luật Lao động 2019, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc. 04 mốc thời gian thử việc đối với các nhóm công việc cụ thể mà NLĐ cần lưu ý bao gồm:

- Không quá 180 ngày đối với: công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với: công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với: công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

4. Tiền lương thử việc

Căn cứ điều 26 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương của NLĐ trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

5. Hủy bỏ thỏa thuận thử việc

Theo khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

6. Kết thúc thời gian thử việc

Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho NLĐ.

- Trường hợp thử việc đạt yêu cầu:

+ Nếu thỏa thuận thử việc trước đó giao kết bằng hợp đồng thử việc thì người sử dụng lao động thực hiện giao kết hợp đồng lao động đối với NLĐ.

+ Nếu thỏa thuận thử việc trước đó được nêu trong hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với NLĐ.

- Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu: người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

(Căn cứ Điều 27 Bộ luật Lao động 2019)

Như Mai

381 lượt xem
  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;