Xin hỏi về các trường hợp kiểm tra yếu tố hình thành giá hiện nay được quy định thế nào? - Hoàng Kim (Tiền Giang)
Trường hợp kiểm tra yếu tố hình thành giá (Hình từ Internet)
1. Trường hợp kiểm tra yếu tố hình thành giá
Trường hợp kiểm tra yếu tố hình thành giá theo Điều 26 Luật Giá 2012 như sau:
(1) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại (2) mục này trong các trường hợp sau:
- Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bình ổn giá, định giá;
- Khi giá có biến động bất thường và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
(2) Hàng hoá, dịch vụ phải kiểm tra yếu tố hình thành giá bao gồm:
- Hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá;
- Hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá;
- Hàng hoá, dịch vụ khác khi giá có biến động bất thường theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra yếu tố hình thành giá
Thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra yếu tố hình thành giá theo Điều 27 Luật Giá 2012 như sau:
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với:
+ Hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính;
+ Hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định tại Điều 15 Luật Giá 2012.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với:
+ Hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
3. Tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá
Theo Điều 13 Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá như sau:
- Trường hợp kiểm tra yếu tố hình thành giá, thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra yếu tố hình thành giá thực hiện theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 Luật Giá 2012.
- Trình tự kiểm tra yếu tố hình thành giá:
+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá có văn bản yêu cầu kiểm tra yếu tố hình thành giá và gửi đến tổ chức, cá nhân được yêu cầu kiểm tra các yếu tố hình thành giá;
+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp các tài liệu cần thiết phục vụ kiểm tra yếu tố hình thành giá;
+ Tiến hành kiểm tra yếu tố hình thành giá;
+ Thông báo kết luận kiểm tra yếu tố hình thành giá.
- Thời hạn kiểm tra các yếu tố hình thành giá:
+ Thời hạn một lần kiểm tra tối đa là 30 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra các yếu tố hình thành giá.
Trường hợp cần thiết phải kéo dài thêm thời gian kiểm tra thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do phải kéo dài cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra; thời hạn kiểm tra kéo dài không quá 15 ngày làm việc;
+ Trong thời hạn tối đa là 15 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra các yếu tố hình thành giá, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành và gửi văn bản thông báo kết luận kiểm tra đến tổ chức, cá nhân và các cơ quan liên quan.
Quốc Đạt
- Key word:
- giá