Tổ bay là gì? Thành phần tổ bay gồm những ai?

Khi tham gia các chuyến bay thường nghe nhắc đến tổ bay. Vậy tổ bay là gì? Thành phần tổ bay gồm những ai? - Thúy Hằng (Quảng Ngãi)

1. Tổ bay là gì?

Theo khoản 1 Điều 71 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, tổ bay bao gồm những người được người khai thác tàu bay chỉ định để thực hiện nhiệm vụ trong chuyến bay.

Tổ bay là gì? Thành phần tổ bay gồm những ai?

Tổ bay là gì? Thành phần tổ bay gồm những ai? (Hình từ Internet)

2. Thành phần tổ bay gồm những ai?

Thành phần tổ bay bao gồm tổ lái, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác theo yêu cầu thực hiện chuyến bay, được quy định từ Điều 72 đến Điều 74 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006.

2.1 Tổ lái và thành viên tổ lái

- Thành viên tổ lái là người thực hiện nhiệm vụ điều khiển tàu bay, bao gồm lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay.

- Tàu bay chỉ được phép thực hiện chuyến bay khi có đủ thành phần tổ lái theo quy định của pháp luật quốc gia đăng ký tàu bay hoặc quốc gia của người khai thác tàu bay.

2.2 Tiếp viên hàng không

- Tiếp viên hàng không là người thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho hành khách trong chuyến bay, phục vụ trên tàu bay theo sự phân công của người khai thác tàu bay hoặc người chỉ huy tàu bay nhưng không được thực hiện nhiệm vụ của thành viên tổ lái.

- Nhiệm vụ cụ thể của tiếp viên hàng không đối với từng loại tàu bay do người khai thác tàu bay quy định. Người khai thác tàu bay phải bố trí đủ số lượng tiếp viên hàng không và phù hợp với loại tàu bay.

2.3 Người chỉ huy tàu bay

- Người chỉ huy tàu bay là thành viên tổ lái được người khai thác tàu bay chỉ định cho một chuyến bay; đối với hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại thì do chủ sở hữu tàu bay chỉ định.

- Người chỉ huy tàu bay có quyền cao nhất trong tàu bay, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không cho tàu bay, người và tài sản trong tàu bay trong thời gian tàu bay đang bay.

Tàu bay được coi là đang bay kể từ thời điểm mà tất cả các cánh cửa ngoài được đóng lại sau khi hoàn thành xếp tải đến thời điểm mà bất kỳ cửa ngoài nào được mở ra để dỡ tải; trong trường hợp hạ cánh bắt buộc, tàu bay được coi là đang bay cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm nhận trách nhiệm đối với tàu bay, người và tài sản trong tàu bay.

* Quyền của người chỉ huy tàu bay

Theo Điều 75 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, quyền của người chỉ huy tàu bay quy định như sau:

- Quyết định và chịu trách nhiệm về việc cất cánh, hạ cánh, huỷ bỏ chuyến bay, quay trở lại nơi cất cánh hoặc hạ cánh khẩn cấp.

- Không thực hiện nhiệm vụ chuyến bay, kế hoạch bay hoặc chỉ dẫn của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu trong trường hợp cần tránh nguy hiểm tức thời, trực tiếp cho hoạt động hàng không và phải báo cáo ngay với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.

Trong trường hợp vì tránh nguy hiểm tức thời, trực tiếp mà phải bay chệch đường hàng không thì sau khi hết nguy hiểm, người chỉ huy tàu bay và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu phải nhanh chóng áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đưa tàu bay về đường hàng không.

- Trong thời gian tàu bay đang bay, được áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với những người thực hiện một trong các hành vi sau đây trong tàu bay:

+ Phạm tội;

+ Đe doạ, uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không;

+ Hành hung hoặc đe dọa thành viên tổ bay, hành khách;

+ Không tuân theo sự hướng dẫn của người chỉ huy tàu bay hoặc của thành viên tổ bay thay mặt người chỉ huy tàu bay về việc bảo đảm an toàn cho tàu bay, duy trì trật tự, kỷ luật trong tàu bay;

+ Phá hoại thiết bị, tài sản trong tàu bay;

+ Sử dụng ma tuý;

+ Hút thuốc trong buồng vệ sinh hoặc ở những nơi không được phép có khả năng uy hiếp an toàn của tàu bay;

+ Sử dụng thiết bị điện tử xách tay, điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác khi tàu bay cất cánh, hạ cánh hoặc khi bị cấm vì an toàn chuyến bay;

+ Các hành vi vi phạm thuần phong, mỹ tục của dân tộc, vi phạm trật tự công cộng khác.

- Giao những người thực hiện các hành vi quy định tại khoản 3 Điều 75 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay gần nhất.

- Quyết định việc xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay theo quy định tại Điều 88 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006.

- Ra mệnh lệnh cần thiết đối với mọi người trong tàu bay và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm nhận trách nhiệm đối với tàu bay, người và tài sản trong tàu bay trong trường hợp hạ cánh bắt buộc.

- Thực hiện các công việc sau đây trong trường hợp không nhận được chỉ thị hoặc chỉ thị không rõ ràng của người khai thác tàu bay và phải thông báo ngay cho người khai thác tàu bay:

+ Thanh toán những khoản chi phí cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của chuyến bay, bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong chuyến bay;

+ Thực hiện những công việc cần thiết để tàu bay tiếp tục chuyến bay;

+ Thuê nhân công trong thời hạn ngắn theo từng vụ việc cần thiết cho chuyến bay.

* Nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay

Nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay quy định tại Điều 76 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, cụ thể:

- Thi hành chỉ thị của người khai thác tàu bay.

- Áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho tàu bay, người và tài sản trong tàu bay khi tàu bay bị lâm nguy, lâm nạn và là người cuối cùng rời khỏi tàu bay.

- Thông báo cho cơ sở đang cung cấp dịch vụ không lưu và trợ giúp theo khả năng nhưng không gây nguy hiểm cho tàu bay, người và tài sản trong tàu bay của mình khi phát hiện người, phương tiện giao thông hoặc tài sản khác bị nạn ở ngoài tàu bay.

- Áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đưa tàu bay về đường hàng không trong trường hợp bay chệch đường hàng không.

 

3. Quyền và nghĩa vụ của thành viên tổ bay

- Quyền lợi của thành viên tổ bay

+ Quyền lợi của thành viên tổ bay làm việc trên tàu bay do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác được xác định theo hợp đồng lao động và quy định của pháp luật Việt Nam về lao động.

+ Thành viên tổ bay được người sử dụng lao động mua bảo hiểm tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ.

+ Trong trường hợp không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thì người khai thác tàu bay chịu trách nhiệm cung cấp mọi chi phí đưa thành viên tổ bay về địa điểm xác định trong hợp đồng hoặc địa điểm đã tiếp nhận trong trường hợp không có thỏa thuận khác.

+ Khi thành viên tổ bay ngừng làm việc vì lý do an toàn hàng không, an ninh hàng không theo quyết định của người chỉ huy tàu bay thì hợp đồng lao động của thành viên tổ bay đó không bị chấm dứt. Người khai thác tàu bay phải chịu các chi phí hợp lý phát sinh từ việc này.

+ Hợp đồng lao động bị chấm dứt tại thời điểm theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng; trường hợp hợp đồng lao động hết hạn khi thành viên tổ bay đang thực hiện nhiệm vụ thì thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động là thời điểm kết thúc nhiệm vụ.

+ Trong trường hợp người khai thác tàu bay thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi thành viên tổ bay đang thực hiện nhiệm vụ thì thời điểm thông báo được xác định là thời điểm kết thúc nhiệm vụ.

- Nghĩa vụ của thành viên tổ bay

+ Tuân thủ mệnh lệnh của người chỉ huy tàu bay.

+ Không được rời tàu bay khi chưa có lệnh của người chỉ huy tàu bay.

(Căn cứ Điều 77, 78 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006).

Như Mai

1999 lượt xem
  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;