Xin cho hỏi quy hoạch tổng thể quốc gia được thể hiện qua những nội dung gì? - Văn Quốc (Bình Phước)
Quy định về nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia (Hình từ Internet)
1. Quy hoạch tổng thể quốc gia là gì?
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Quy hoạch 2017, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
2. Nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia
Cụ thể tại khoản 2 Điều 22 Luật Quy hoạch 2017, quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển quốc gia, xu thế phát triển trong nước và quốc tế, các chủ trương, định hướng phát triển lớn, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan và các nguồn lực phát triển; xu thế phát triển của khoa học, công nghệ; khu vực quân sự, an ninh cấp quốc gia; khu bảo tồn;...
- Xác định các quan điểm và mục tiêu phát triển;
- Dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển;
- Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội;
- Định hướng phát triển không gian biển;
- Định hướng sử dụng đất quốc gia;
- Định hướng khai thác và sử dụng vùng trời;
- Định hướng phân vùng và liên kết vùng;
- Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia;
- Định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia;
- Định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia;
- Định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện;
- Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
3. Quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia
Quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia, thực hiện theo các bước được quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Quy hoạch 2017, cụ thể như sau:
- Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt;
-Cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan lựa chọn tổ chức tư vấn để xây dựng các nội dung quy hoạch đã được phân công và tổ chức thẩm định các nội dung này trước khi gửi cơ quan lập quy hoạch;
- Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch do các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan xây dựng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nội dung quy hoạch được phân công gửi cơ quan lập quy hoạch;
- Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến theo quy định tại Điều 19 Luật Quy hoạch 2017;
- Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch;
- Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định.
Thanh Rin
- Key word:
- quy hoạch tổng thể quốc gia