Hiện hành, hoạt động bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp được quy định thế nào? – Văn Sơn (Ninh Thuận)
- Điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp từ ngày 01/5/2024
- Nghị định mới về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
- Năm 2020: Sửa đổi điều kiện thành lập cụm công nghiệp
Quy định về bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp (Hình từ Internet)
1. Hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp
Theo khoản 1 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cụm công nghiệp phải có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Theo đó, hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp bao gồm:
- Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
- Công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật;
- Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020;
- Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp đang hoạt động
Căn cứ khoản 2 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì cụm công nghiệp đang hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Hoàn thành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường nêu tại mục 1 trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 01/01/2022;
- Các trường hợp đã được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung phải bảo đảm:
+ Nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra môi trường;
+ Có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải;
+ Có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp
Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp có trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020 sau:
- Đáp ứng yêu cầu quy định về hạ tầng bảo vệ môi trường nêu tại mục 1;
- Đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp nêu tại mục 1;
- Không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong cụm công nghiệp khi chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;
- Thu gom, đấu nối nước thải của các cơ sở trong cụm công nghiệp vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;
- Yêu cầu cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 01/01/2022;
- Bố trí ít nhất một nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm;
- Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường; phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở khi đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp;
- Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;
- Ban hành quy chế về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
- Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường của cụm công nghiệp gửi cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cơ quan cấp giấy phép môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật;
- Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
4. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp
4.1 Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp trong trường hợp không có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp;
- Lập danh mục các cụm công nghiệp không có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung trên địa bàn và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
4.2 Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp;
- Ban hành quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp;
- Ban hành lộ trình di dời dân cư sinh sống (nếu có) ra khỏi cụm công nghiệp.
(Khoản 5, 6 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020)
Văn Trọng
- Key word:
- Cụm công nghiệp