Xin hỏi là trong khí tượng thủy văn thì quan trắc khí tượng thủy văn được quy định thế nào? - Thảo Vy (Lâm Đồng)
Quan trắc khí tượng thủy văn là gì? (Hình từ Internet)
1. Quan trắc khí tượng thủy văn là gì?
Quan trắc khí tượng thủy văn là việc quan sát, đo đạc trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống các thông số biểu hiện trạng thái, hiện tượng, quá trình diễn biến của khí quyển, nước sông, suối, kênh, rạch, hồ và nước biển.
(khoản 5 Điều 3 Luật khí tượng thủy văn 2015)
2. Yêu cầu đối với quan trắc khí tượng thủy văn
Tại khoản 2 Điều 13 Luật khí tượng thủy văn 2015 quy định về yêu cầu đối với quan trắc khí tượng thủy văn:
- Quan trắc phải chính xác, liên tục, thống nhất theo quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn;
- Kết quả quan trắc phải bảo đảm tính đại diện, phản ánh khách quan điều kiện tự nhiên, hiện trạng các hiện tượng khí tượng thủy văn của khu vực đặt trạm;
- Thông tin, dữ liệu quan trắc phải được kiểm tra, đánh giá chất lượng.
3. Nội dung quan trắc khí tượng thủy văn
Căn cứ khoản 2 Điều 13 Luật khí tượng thủy văn 2015 quy định về nội dung quan trắc khí tượng thủy văn như sau:
- Nội dung quan trắc được xác định cụ thể cho từng loại trạm khí tượng thủy văn;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định chi tiết nội dung quan trắc đối với trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia;
- Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân xác định nội dung quan trắc đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thuộc quyền quản lý;
- Trạm khí tượng có phát báo quốc tế, trạm khí tượng thủy văn có trao đổi thông tin, dữ liệu với nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc có thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương thực hiện các quan trắc khác theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn
Căn cứ Điều 3 Nghị định 38/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 48/2020/NĐ-CP quy định công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật khí tượng thủy văn 2015 gồm:
- Sân bay dân dụng;
- Đập, hồ chứa nước thuộc loại quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa theo quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông (sau đây gọi tắt là đập, hồ chứa);
- Bến cảng thuộc cảng biển loại I và loại II theo danh mục cảng biển, bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải công bố.
Trường hợp cảng biển có nhiều bến cảng thì Giám đốc Cảng vụ hàng hải chủ trì, tổ chức lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, cơ quan khí tượng thủy văn tại địa phương khu vực cảng biển quyết định lựa chọn, chỉ định một hoặc một số bến cảng có tính đại diện về điều kiện tự nhiên khí tượng thủy văn cho khu vực cảng biển để tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định 38/2016/NĐ-CP.
Các bến cảng còn lại được quyền khai thác, chia sẻ thông tin quan trắc và có nghĩa vụ đóng góp kinh phí theo tỷ lệ bình quân để thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định này.
Bến cảng thuộc cảng quân sự thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của Bộ Quốc phòng;
- Cầu có khẩu độ thông thuyền từ 500 mét trở lên;
- Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp;
- Cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch;
- Vườn quốc gia;
- Tuyến đường cao tốc tại khu vực thường xuyên có thời tiết nguy hiểm được xác định theo phân vùng rủi ro thiên tai do Tổng cục Khí tượng Thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố và được cập nhật định kỳ 3 năm một lần;
- Cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên;
- Công trình mang tính chất đặc thù gồm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn thuộc các cụm Dịch vụ Kinh tế - Kỹ thuật (DK1), sân bay quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Lưu ý:
- Chủ sở hữu đối với đập, hồ chứa, tổ chức quản lý trực tiếp vườn quốc gia, công trình mang tính chất đặc thù phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân khai thác đối với sân bay, bến cảng, cầu, tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình, cáp treo, tuyến đường cao tốc, cảng thủy nội địa quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 38/2016/NĐ-CP có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để tổ chức thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định 38/2016/NĐ-CP .
- Sau 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trường hợp cần thiết Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, trình Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung loại công trình phải quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định 38/2016/NĐ-CP .
Ngọc Nhi
- Key word:
- Khí tượng thủy văn