Tôi muốn kinh doanh dịch vụ bưu chính thì cần những điều kiện gì và cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào? – Phong Linh (Bình Dương)
Điều kiện, hồ sơ cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính (Hình từ internet)
1. Điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính
Điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính được quy định như sau:
- Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam (kg) phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính cấp.
- Doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính;
+ Có khả năng tài chính, nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp giấy phép;
Điều kiện về khả năng tài chính được quy định như sau: - Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam; - Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam. Mức vốn tối thiểu phải được thể hiện trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoạt động bưu chính tại Việt Nam của doanh nghiệp. |
+ Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính;
+ Có biện pháp đảm bảo an ninh thông tin và an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính.
(Điều 21 Luật Bưu chính 2010, Điều 5 Nghị định 47/2011/NĐ-CP)
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính gồm:
- Giấy đề nghị cấp giấy phép bưu chính (theo mẫu tại Phụ lục I);
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ doanh nghiệp (nếu có);
- Phương án kinh doanh, gồm các nội dung chính sau:
+ Thông tin về doanh nghiệp gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ e-mail của trụ sở giao dịch, văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm kinh doanh, website của doanh nghiệp (nếu có) và các thông tin liên quan khác;
+ Địa bàn dự kiến cung ứng dịch vụ;
+ Hệ thống và phương thức quản lý, điều hành dịch vụ;
+ Quy trình cung ứng dịch vụ gồm quy trình chấp nhận, vận chuyển và phát;
+ Phương thức cung ứng dịch vụ do doanh nghiệp tự tổ chức hoặc hợp tác cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp khác (trường hợp hợp tác với doanh nghiệp khác, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép bưu chính phải trình bày chi tiết về phạm vi hợp tác, công tác phối hợp trong việc bảo đảm an toàn, an ninh, giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ);
+ Các biện pháp bảo đảm an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính;
- Mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
- Mẫu biểu trưng, nhãn hiệu, ký hiệu đặc thù hoặc các yếu tố thuộc hệ thống nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp được thể hiện trên bưu gửi (nếu có);
- Bảng giá cước dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
- Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bưu chính công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
- Quy định về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp phát sinh thiệt hại, quy trình giải quyết khiếu nại của khách hàng, thời hạn giải quyết khiếu nại phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
- Thỏa thuận với doanh nghiệp khác, đối tác nước ngoài bằng tiếng Việt, đối với trường hợp hợp tác cung ứng một, một số hoặc tất cả các công đoạn của dịch vụ bưu chính đề nghị cấp phép;
- Tài liệu về tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Hợp đồng nhượng quyền thương mại với doanh nghiệp dang cung ứng dịch vụ bưu chính (nếu có).
(Điều 6 Nghị định 47/2011/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 150/2018/NĐ-CP, Nghị định 25/2022/NĐ-CP)
Diễm My
- Key word:
- kinh doanh dịch vụ bưu chính