Tôi muốn biết để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản thì tổ chức, cá nhân cần đáp ứng các điều kiện gì? - Văn Tùng (Quảng Nam)
Điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản (Hình từ Internet)
1. Ương dưỡng giống thủy sản là gì?
Theo khoản 11 Điều 3 Luật Thủy sản 2017, ương dưỡng giống thủy sản là việc nuôi ấu trùng thủy sản qua các giai đoạn phát triển, hoàn thiện thành con giống.
Cụ thể, giống thủy sản là loài động vật thủy sản, rong, tảo dùng để sản xuất giống, làm giống cho nuôi trồng thủy sản, bao gồm bố mẹ, trứng, tinh, phôi, ấu trùng, mảnh cơ thể, bào tử và con giống.
(Khoản 9 Điều 3 Luật Thủy sản 2017)
2. Điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản
Cụ thể tại khoản 2 Điều 24 Luật Thủy sản 2017, tổ chức, cá nhân ương dưỡng giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập;
- Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;
- Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học.
3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản thực hiện theo quy định khoản 2 Điều 21 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở ương dưỡng giống thủy sản theo Mẫu số 01.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP;
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở ương dưỡng giống thủy sản theo Mẫu số 02.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP.
4. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân ương dưỡng giống thủy sản
4.1. Quyền của tổ chức, cá nhân ương dưỡng giống thủy sản
Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có quyền sau đây:
- Ương dưỡng giống thủy sản theo nội dung của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản;
- Được tham gia tập huấn về quy định liên quan đến giống thủy sản;
- Quảng cáo giống thủy sản theo quy định của pháp luật về quảng cáo;
- Khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
(Khoản 1 Điều 26 Luật Thủy sản 2017)
4.2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân ương dưỡng giống thủy sản
Tổ chức, cá nhân ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng giống thủy sản đã công bố;
- Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng để bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố;
- Bảo đảm an toàn sinh học trong quá trình ương dưỡng giống thủy sản;
- Thực hiện ghi nhãn giống thủy sản theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
- Cập nhật thông tin, báo cáo trong quá trình ương dưỡng giống thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo quy định;
- Thực hiện ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình ương dưỡng giống thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc;
- Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ.
(Khoản 2 Điều 26 Luật Thủy sản 2017)
5. Các nguyên tắc hoạt động thủy sản
Theo Điều 5 Luật Thủy sản 2017, các nguyên tắc trong hoạt động thủy sản bao gồm:
- Kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững.
- Thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
- Bảo đảm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản.
- Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thanh Rin
- Key word:
- ương dưỡng giống thủy sản