Đề nghị sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: 02 chính sách cần xem xét

Tôi được biết Ngân hàng Nhà nước đang đề nghị sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Vậy cụ thể thế nào? - Hồng Đào (Cần Thơ)

Đề nghị sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: 02 chính sách cần xem xét

Đề nghị sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: 02 chính sách cần xem xét (Hình từ internet)

Ngân hàng Nhà nước đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động và sự phát triển bền vững của hệ thống tổ chức tín dụng.

Hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng

Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng

- Luật Các tổ chức tín dụng đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động của các TCTD. Luật đã quy định cụ thể phạm vi hoạt động của từng loại hình TCTD, trong đó lấy hoạt động của ngân hàng thương mại làm căn cứ dẫn chiếu khi quy định phạm vi hoạt động của các loại hình TCTD khác.

- Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện cho các TCTD nâng cao chất lượng công tác quản trị, nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, từng bước tiếp cận dần với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để tăng cường chất lượng quản trị, điều hành TCTD, một số quy định của Luật Các tổ chức tín dụng cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời như: quy định về tỷ lệ nắm giữ của 01 cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông, tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng, bổ sung trường hợp cùng đảm nhiệm chức vụ của người quản lý, điều hành TCTD,...

- Luật Các tổ chức tín dụng đã tạo ra hành lang pháp lý để kiểm soát an toàn hệ thống các TCTD: Các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát. Các TCTD yếu kém được xử lý kiên quyết thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn. Các ngân hàng thương mại nhà nước vừa chủ động thực hiện tự cơ cấu lại vừa tích cực tham gia quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, duy trì vị trí chủ đạo, vào trò trụ cột trong việc giữ ổn định hệ thống, dẫn dắt thị trường và tiên phong thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước nói chung và của Ngân hàng Nhà nước nói riêng.

- Luật Các tổ chức tín dụng đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng. Luật Các tổ chức tín dụng đã có một số quy định về hoạt động thanh toán như: đối tượng cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, cung ứng phương tiện thanh toán, tham gia các hệ thống thanh toán,... Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và yêu cầu thực tiễn ngày càng đa dạng của người sử dụng dịch vụ thanh toán, trên cơ sở các quy định tại Luật, Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung) đã tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

- Luật Các tổ chức tín dụng mới đề cập đến hoạt động ngân hàng điện tử, chưa đề cập đến hoạt động của ngân hàng số (là một khái niệm rộng hơn khái niệm hoạt động ngân hàng điện tử). Luật Các tổ chức tín dụng cũng chưa đề cập đến những nội dung hỗ trợ cho việc phát triển mô hình ngân hàng số như nền tảng xác thực giao dịch điện tử có tính chất pháp lý,… Một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ là nền tảng quan trọng và cần thiết cho bất kỳ loại hình dịch vụ tài chính – ngân hàng mới nào. Thực tế cho thấy quá trình phát triển ngân hàng số ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, nhưng chính tốc độ phát triển nhanh chóng của ngân hàng số đã dẫn đến việc các quy định pháp lý tại Việt Nam chưa thể bắt kịp với hoạt động ngân hàng số nói chung. Hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều quy định chưa tương thích với bối cảnh số hóa dịch vụ, chưa thực sự thúc đẩy cho phát triển ngân hàng số, thanh toán số.

- Quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Tổ chức tài chính vi mô cần tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển của hệ thống QTDND, Tổ chức tài chính vi mô. 

Đề nghị sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: 02 chính sách cần xem xét

Những chính sách, nhóm vấn đề cần được xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Các tổ chức tín dụng như sau:

(1) Nâng cao hiệu quả hoạt động của TCTD

1.1. Các vấn đề về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD: Sửa đổi, bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động của TCTD nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD theo hướng: Giảm tỷ lệ nắm giữ của 01 cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, đảm bảo tính đại chúng của TCTD; Sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức quản trị, điều hành của QTDND;...

1.2. Các vấn đề về nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD: Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay, gửi tiền giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dịch vụ ngân quỹ, nghiệp vụ đại lý của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng và nghiên cứu, rà soát về các tỷ lệ an toàn khác trong hoạt động của TCTD cổ phần; Sửa đổi, bổ sung quy định về không cùng đảm nhiệm chức vụ của người quản lý, điều hành TCTD; Sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung hoạt động của QTDND, tổ chức tài chính vi mô;...

1.3. Các vấn đề về tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của TCTD: Sửa đổi các quy định liên quan đến ngân hàng điện tử; hoạt động cấp tín dụng sử dụng các phương tiện điện tử; Bổ sung quy định để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của TCTD;...

(2) Khắc phục bất cập, vướng mắc liên quan đến cơ cấu lại TCTD yếu kém

2.1. Sửa đổi một số quy định về cơ cấu lại TCTD cho phù hợp với thực tiễn triển khai thi hành quy định về kiểm soát đặc biệt TCTD, xử lý TCTD yếu kém; tổ chức, hoạt động của NHTM được chuyển giao bắt buộc; biện pháp hỗ trợ TCTD được áp dụng can thiệp sớm;...

2.2. Bổ sung một số quy định mới như: Cơ chế hỗ trợ TCTD tham gia vào quá trình tái cơ cấu, miễn trừ trách nhiệm của người tham gia tái cơ cấu; Điều chỉnh một số nội dung, chỉ tiêu tính toán tỷ lệ, giới hạn an toàn trong quá trình hỗ trợ TCTD được kiểm soát đặc biệt cũng như các TCTD tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém; Tập trung vào việc phát hiện, xử lý nội dung không hiệu quả trong thực tiễn về kiểm soát đặc biệt TCTD, xử lý TCTD yếu kém;...

Diễm My

483 lượt xem
  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;