Cửa khẩu biên giới đất liền là gì? Của khẩu biên giới đất liền gồm những loại nào? – Văn Nhàn (Bình Dương)
Cửa khẩu biên giới đất liền là gì? Các loại cửa khẩu biên giới đất liền (Hình từ internet)
1. Cửa khẩu biên giới đất liền là gì?
Cửa khẩu biên giới đất liền là nơi thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và qua lại biên giới quốc gia trên đất liền, bao gồm cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sắt và cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa.
Khu vực cửa khẩu biên giới đất liền là khu vực được xác định, có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia trên đất liền, trong đó bao gồm các khu chức năng để đảm bảo cho các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu.
(Khoản 2, 4 Điều 3 Nghị định 112/2014/NĐ-CP)
2. Các loại cửa khẩu biên giới đất liền
Căn cứ vào phạm vi đối tượng xuất, nhập; cửa khẩu biên giới đất liền được chia thành cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), cửa khẩu phụ và lối mở biên giới (sau đây gọi chung là cửa khẩu biên giới).
- Cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.
- Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.
- Cửa khẩu phụ được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng thuộc tỉnh biên giới hai bên xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.
- Lối mở biên giới (đường qua lại chợ biên giới, cặp chợ biên giới; điểm thông quan hàng hóa biên giới; đường qua lại tạm thời) được mở cho cư dân biên giới hai bên, phương tiện, hàng hóa của cư dân biên giới hai bên qua lại và các trường hợp khác nhằm thực hiện chính, sách thương mại biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hoặc được mở trong trường hợp bất khả kháng hay yêu cầu đặc biệt của hai bên biên giới.
(Điều 4 Nghị định 112/2014/NĐ-CP)
3. Hoạt động ở khu vực cửa khẩu biển giới đất liền
Hoạt động ở khu vực cửa khẩu biển giới đất liền được quy định tại Điều 13 Nghị định 112/2014/NĐ-CP như sau:
- Những người được ra, vào khu vực cửa khẩu:
+ Hành khách xuất cảnh, nhập cảnh;
+ Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan nhà nước liên quan có trụ sở hoặc văn phòng làm việc trong khu vực cửa khẩu;
+ Nhân viên các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu;
+ Người điều khiển, người làm việc trên phương tiện chuyên chở hàng hóa, hành khách xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh;
+ Chủ hàng, người kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra vào khu vực cửa khẩu thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;
+ Người đến làm việc với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan liên quan có trụ sở hoặc văn phòng làm việc trong khu vực cửa khẩu;
+ Người đến khám, chữa bệnh (trường hợp trong khu vực cửa khẩu có khu vực y tế dành cho khám, chữa bệnh);
+ Ngoài những trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e, g Khoản này, những người ra, vào khu vực cửa khẩu với mục đích thăm quan, đón tiễn hoặc mục đích khác phải được phép và chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát, hướng dẫn của Đồn Biên phòng cửa khẩu.
- Những người được tạm trú trong khu vực cửa khẩu:
+ Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan liên quan có trụ sở hoặc văn phòng làm việc trong khu vực cửa khẩu;
+ Nhân viên các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu;
+ Người Việt Nam, người nước ngoài lưu lại trong khu vực cửa khẩu vì lý do chưa hoàn thành thủ tục xuất, nhập đối với người, phương tiện, hàng hóa hoặc những người lưu lại trong khu vực cửa khẩu vì lý do hợp pháp khác, thì phải đăng ký tạm trú và chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của Trạm Biên phòng cửa khẩu.
- Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp và phải hoạt động theo đúng lĩnh vực quy định trong giấy phép.
- Phương tiện được phép ra, vào, hoạt động, lưu trú tại khu vực cửa khẩu:
+ Phương tiện vận chuyển người xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa tại các kho, bãi hàng hóa trong khu vực cửa khẩu;
+ Phương tiện là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
+ Phương tiện chuyên chở cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức đến làm việc tại cửa khẩu hoặc phương tiện của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức làm việc tại cửa khẩu;
+ Phương tiện của Việt Nam, nước ngoài lưu lại trong khu vực cửa khẩu vì lý do chưa hoàn thành thủ tục xuất, nhập đối với phương tiện, hàng hóa thì phải đăng ký lưu trú và chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của Trạm Biên phòng cửa khẩu;
+ Phương tiện ra, vào, hoạt động, lưu trú tại khu vực cửa khẩu phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, phù hợp với mục đích hoạt động tại cửa khẩu.
- Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hướng dẫn thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổ chức, cá nhân, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài hoạt động tại khu vực cửa khẩu theo quy định của Nghị định này, quy định pháp luật liên quan và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Diễm My
- Key word:
- cửa khẩu biên giới đất liền