Xin cho tôi hỏi có bao nhiêu hình thức giám sát khai thác nước dưới đất? Đó là những hình thức nào? - Minh Hải (Bình Thuận)
Các hình thức giám sát khai thác nước dưới đất (Hình từ Internet)
1. Nguyên tắc giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất
Theo Điều 3 Thông tư 17/2021/TT-BTNMT, các nguyên tắc giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất bao gồm:
- Bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
- Bảo đảm tính hệ thống, kịp thời, đầy đủ và liên tục nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ thông tin, dữ liệu về mặt không gian và thời gian, giữa trung ương, địa phương và trên từng lưu vực sông.
- Bảo đảm tính thống nhất giữa yêu cầu về giám sát với hoạt động quan trắc của cơ sở được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
- Các thông số giám sát được quan trắc, đo đạc trực tiếp hoặc tính toán gián tiếp qua các thông số đo đạc khác nhưng phải bảo đảm tính chính xác và trung thực.
2. Các hình thức giám sát khai thác nước dưới đất
Việc giám sát khai thác nước nước dưới đất được thực hiện qua các hình thức theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 17/2021/TT-BTNMT, cụ thể như sau:
- Đối với công trình có quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên: thực hiện giám sát tự động, trực tuyến đối với các thông số quy định tại (i), (ii) và (iv), giám sát định kỳ đối với thông số quy định tại (iii);
- Đối với công trình có quy mô từ 1.000 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm: thực hiện giám sát tự động, trực tuyến đối với các thông số quy định tại (i), (ii), giám sát định kỳ đối với thông số quy định tại (iii);
- Đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm đến dưới 1.000 m3/ngày đêm: thực hiện giám sát tự động, trực tuyến đối với thông số quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, giám sát định kỳ đối với các thông số quy định tại (ii), (iii);
- Đối với công trình có quy mô từ trên 10 m3/ngày đêm đến dưới 200 m3/ngày đêm: thực hiện giám sát định kỳ đối với các thông số quy định tại (i), (ii), (iii).
3. Các thông số giám sát khai thác nước dưới đất
Cụ thể tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 17/2021/TT-BTNMT, các thông số giám sát khai thác nước dưới đất như sau:
(i) Lưu lượng khai thác của từng giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác thuộc công trình;
(ii) Mực nước trong giếng khai thác đối với giếng khoan, giếng đào;
(iii) Chất lượng nước trong quá trình khai thác (nếu có);
(iv) Đối với công trình có quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên, ngoài việc thực hiện giám sát các thông số quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này còn phải giám sát thông số mực nước trong các giếng quan trắc.
4. Các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất
Các khu vực sau đây bị hạn chế khai thác nước dưới đất:
- Khu vực có nguồn nước mặt có khả năng đáp ứng ổn định cho các nhu cầu sử dụng nước;
- Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức;
- Khu vực có nguy cơ sụt, lún đất, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất;
- Khu vực có nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm hoặc có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm chất lượng;
- Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng.
(Khoản 4 Điều 52 Luật Tài nguyên nước 2012)