Tôi muốn hỏi khi giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước thì phải tuân thủ các nguyên tắc gì? - Ngọc Hân (Quảng Nam)
- Quy định về giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử
- Các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước
07 nguyên tắc giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước (Hình từ Internet)
1. Giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 87/2021/TT-BTC, giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước là các giao dịch điện tử giữa Kho bạc nhà nước với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và trong nội bộ hệ thống Kho bạc nhà nước trong các hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc nhà nước:
- Quản lý quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước;
- Quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước;
- Huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước
Cụ thể Điều 4 Thông tư 87/2021/TT-BTC, các nguyên tắc giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước bao gồm:
(1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 5 Luật Giao dịch điện tử 2005, Điều 4 Nghị định 165/2018/NĐ-CP.
(2) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hoàn thành giao dịch bằng phương thức điện tử thì không phải thực hiện giao dịch đó bằng phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục trên Trang thông tin điện tử của Kho bạc nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
(3) Kho bạc nhà nước không yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp lại dữ liệu mà Kho bạc nhà nước đang quản lý hoặc dữ liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu, trừ trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu phục vụ cập nhật hoặc sử dụng cho mục đích xác minh, thẩm tra dữ liệu.
Trong trường hợp Kho bạc nhà nước yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu phục vụ cập nhật hoặc sử dụng cho mục đích xác minh, thẩm tra dữ liệu phải đảm bảo theo quy định tại Điều 16 Nghị định 165/2018/NĐ-CP.
(4) Chứng từ điện tử trong các hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc nhà nước phải được ký số bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hoặc được xác thực bằng các biện pháp khác theo quy định tại Điều 5 Nghị định 165/2018/NĐ-CP.
(5) Việc sử dụng chứng thư số và chữ ký số trong giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Trước khi sử dụng chữ ký số để thực hiện các giao dịch điện tử với Kho bạc nhà nước, cơ quan, tổ chức phải đăng ký chữ ký số của các cá nhân liên quan thuộc cơ quan, tổ chức cho Kho bạc nhà nước.
(6) Các giao dịch thanh toán điện tử giữa Kho bạc nhà nước với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các giao dịch thanh toán điện tử của Kho bạc nhà nước qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Các giao dịch điện tử về thanh toán song phương điện tử và tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa Kho bạc nhà nước với các ngân hàng thương mại được thực hiện theo thỏa thuận giữa Kho bạc nhà nước với từng hệ thống ngân hàng thương mại, phù hợp với quy định của pháp luật.
(7) Ngoài Cổng thông tin điện tử và các trang thông tin điện tử của Kho bạc nhà nước, Kho bạc nhà nước được tham gia các hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức khác chủ quản hoặc sử dụng các phương tiện điện tử khác để thực hiện giao dịch trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước.
Trường hợp Kho bạc nhà nước tham gia hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức khác chủ quản, thì giao dịch điện tử giữa Kho bạc nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan qua hệ thống thông tin đó được thực hiện theo quy định của chủ quản hệ thống thông tin, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
Thanh Rin