Xin cho tôi hỏi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí dựa trên các nguyên tắc nào? - Kim Tuyến (Bình Thuận)
05 nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Hình từ Internet)
1. Khái niệm về tiết kiệm, lãng phí
- Tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định.
- Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả.
(Khoản 1 và 2 Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013)
2. Nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Cụ thể tại Điều 4 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013, các nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bao gồm:
(1) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát.
(2) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ và quy định khác của pháp luật.
(3) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với cải cách hành chính và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.
(4) Thực hiện phân cấp quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
(5) Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
3. Hình thức công khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Việc công khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thể hiện qua các hình thức được quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013, cụ thể như sau:
- Phát hành ấn phẩm;
- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Đưa lên trang thông tin điện tử;
- Công bố tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức;
- Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
4. Các lĩnh vực, hoạt động phải công khai về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Trừ lĩnh vực, hoạt động thuộc bí mật nhà nước, các lĩnh vực, hoạt động sau đây phải thực hiện công khai:
- Dự toán, phân bố, điều chỉnh dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước; các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước;
- Đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước;
- Các khoản thu vào ngân sách nhà nước, huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho tín dụng nhà nước; các quỹ có nguồn huy động đóng góp trong và ngoài nước; nợ công theo quy định tại Luật Quản lý nợ công 2017;
- Các quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phát triển ngành, vùng; kế hoạch sử dụng đất; danh mục dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư; kế hoạch và hoạt động khai thác tài nguyên
- Định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan, tổ chức quy định hoặc áp dụng thực hiện; quy chế quản lý tài chính, chi tiêu nội bộ của cơ quan, tổ chức; quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành, lĩnh vực;
- Phân bố, sử dụng nguồn lực lao động;
- Chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả thực hành tiết kiệm; hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí;
- Quy trình, thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân;
- Lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
(Khoản 2 Điều 5 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013)
Thanh Rin
- Key word:
- tiết kiệm
- chống lãng phí